Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

GIẤC MƠ MỸ

Càphê với Cụ bạn ở Văn Cao. Hỏi: Khả năng kinh doanh chế phẩm dầu khí ở Mỹ thế nào?
Mình nhấp métxịt hỏi lại TaiLong.
Thỏai  mái. Một vài lọai hóa chất phụ gia cuốc nội cấm, Mỹ mang sang cuốc ngọai sản xuất rồi nhập ngược lại.
Thế hử?
Dĩ nhiên, hàng giải thích đơn giản và dễ hiểu kia là của mình. Khi mình và Cụ bạn đã chuyển sang tám đến đề tài thứ 6 và gọi thêm ly sinh tố đổi mồi, liếc vào điện thọai, vẫn thấy TaiLong dằng dặc độc thọai métxịt giải thích các chất hi đờ rít nu ít men tồ gì đó. Có lẽ bởi dấu chấm hỏi của mình.
Tiện bỏ dấu luôn, TaiLong nghĩa Tây Lông, chả có tẹo châu Á nào trong máu.
TaiLong nói nhiều, hỏi một nói hai mươi, rậm nhời nhức thủ. Bù lại khí đẹp giai, lạ cái đẹp nhất thường vào những lúc nổi khùng với mình mà không dám cãi, tự nuốt cục tức như Adam mắc nguyên quả táo giồng bên Tàu, ở họng.
Rất khó để giáo dục cho TaiLong nhận thức được rằng, phụ nữ Á đông nghĩ một đằng nói một nẻo và làm còn khác nữa. Khó hơn thế là truyền đạt sự ngẫu hứng đầy tính nghệ sĩ cho TaiLong. Làm gì cũng lên kế họach, rồi lại y boong thế mà thực hiện, tẻ ngăn ngắt.
***
Cộng đồng Việt tại Boston đông thứ hai sau người Tàu và 60% sống ở mức nghèo.
Chuẩn nghèo tại bang Massachussettes, nó tính thế này.
Nhà 4 người, tổng thu nhập dưới 21 ngàn Obama/ năm xếp diện thu nhập thấp. Thu nhập thấp tức vẫn đủ sống. Nghèo, là dưới thu nhập thấp,  là không đủ sống.
60% kia thu nhập dưới 13 ngàn tổng thống/ năm.
Trong lúc chờ thi hứng nổi lên tiếp để hòan thành nốt bài thơ đầu đời mới sáng tạo được hai câu Chào ngày mới lạnh lùng ngang cửa; mình em khô nước mắt không màu… thì mình đọc được cái báo cáo chứa các thông số như vậy của Thành phố, vào sáng sớm hôm qua.
Đúng 37 phút sau cú phone, TaiLong sịch xe  trước cổng. Má ơi, giày thể thao trắng quần jean vẫn không bỏ cổ cồn. Mở cửa xe. Má ơi phát nữa. Hai cái gậy tầm tay 1 dài một ngắn và…súng.
Mình sầm cửa xe, quyết luôn. Đi tàu.
Mặt TaiLong đẹp bồng lên. Nhưng tuân chỉ.
***
Phải hết  hơn tiếng và đổi tàu 2 lần. Quái gì, tuyến đầu tàu lại ngừng chạy 2 ngày, để sửa chữa.
Mỹ, không dám mặc mịa bọn đi Tàu bằng vé tháng. Hàng hàng xe bus sắp lớp thay thế. Miễn phí. Tàu và bus của hai hãng tư nhân khác nhau mà nó phối hợp điều hành ngon ơ, khỏan miễn phí kia thành phố chi.
2 phút chuyến, 1 khách cũng chạy. Vì là bến di động đột xuất, nên bến nào cũng có  vài ba cảnh sát,  bảo vệ những khách dũng cảm cỡ mình, băng qua đường ngẫu hứng. Có anh cảnh sát kia đẹp thôi rồi, tay lại có hình xăm. Mình, đi lùi để ngắm. Anh ý tủm tỉm. TaiLong sụ mặt nhưng ko dám đọ đẹp nên mình thương tình thiện ý, không chụp hình Tay xăm đẹp thôi rồi.
Chuyến tàu cuối tới khu người Việt, cả khoang mênh mông mình, Tai Long và một chú choai choai  đen.
Úp cái tai nghe to vật  ngòai mũ, chú ấy vừa đọc ráp hết cỡ volume vừa dậm chân xuống sàn tàu giữ nhịp. Mình, chưa từng nghe một rapper chuyên nghiệp nào hay đến thế. Bài hát nói về một phụ nữ ngồi cô đơn trên tàu nghĩ về đủ thứ chuyện, từ mua món (gì đó) ăn bữa tối đến  chờ mặt trời mọc ở phương khác.
Mình ngủ quên.
Lóang thóang giấc mơ xin mặt trời hãy ở yên, đừng bỏ sang phương khác.
***
Cũng chỉ luẩn quẩn quanh mấy phố trung tâm. TaiLong cương quyết ko chịu đi xa hơn. Cau có cạu cọ ỉ ôi kiểu gì, cũng ko chiều.
Rồi mình cũng biết lí do. Bạn thân nhất của TaiLong chết khi bị đạn lạc trong một vụ thanh tóan nhau ở khu này- khu có chỉ số không an tòan cao nhất  bang. Cô rất chăm chỉ làm thiện nguyện. Một cơ sở từ thiện của nhà thờ nay dựng bức tượng bán thân cô để tưởng nhớ. Cô rất đẹp, người da đen.
Camera dăng dăng ở những nơi công cộng. Qua ba phố hết hai, dưới biển tên đường có thêm hàng chữ, chỗ này cảnh sát X…đã hy sinh. Nhưng, từ năm 26 lận.
Giá thuê nhà  rất rẻ. Căn hộ  một phòng ngủ quãng 1800 chỗ mình, ở đây chỉ 400, cũng vì cái chỉ số mất an ninh.
Mình,  cực thích thú vì sự... bình yên. Hỏi gì cũng được trả lời chỉ dẫn tận tình. Mua được giò, chả quế và ăn no cành hông một tô bún bò Huế ko nấu bằng mắm ruốc.
Rất nhiều bờ tường được phủ tranh, rất đẹp. 

Gặp sách của Nguyễn Thị Thu Huệ tại thư viện quận. Boston tập trung nhiều trường đại học nhất nước Mỹ nên  thư viện công cộng rất nhiều. Lúc mình vào ko có người Việt nào trong phòng đọc.

Chàng theo giáo phái Đa thê. Giáo phái này không chấp nhận văn học nghệ thuật và chàng bị đuổi ra khỏi Big family (tên một bộ phim về giáo phái), có bằng thạc sĩ nghệ thuật học của trường Boston Uni. Qua một cái cầu thang nhỏ cao hun hút,  lên đến phòng triển lãm nghệ thuật sắp đặt của chàng. Trống rỗng, chỉ có ánh sáng trời từ những ô cửa và khỏang màu tường đối nghịch. Hai viên đá nhỏ đen trắng chàng dùng kết nối những tâm linh. Nói thêm, chàng là người Mỹ trắng duy nhất mình gặp trong nguyên ngày lang thang. 
Mình tham dự ngay và hào hứng vào trò chơi hình khối và ánh sáng của chàng






Vài bức hình này nói đủ tất cả, về người Việt tha hương.

còn tiếp