Thứ Ba, 10 tháng 8, 2010

CHUYỆN MÉMÉ

- Ông Mán Toóc là sợ Trung quốc lắm, nhất nhất Trung quốc bảo gì nghe nấy.


Mặt đầy căng thẳng tri thức, mémé bàn luận với dédé trong bữa cơm chiều cả hai mợ gái tụ hội.


Dédé thủng thẳng:


- Chính phủ làm gì có ông nào tên Mán Toóc.


- Chúng nó chả kể ra rả với nhau suốt ông không nghe à. Tên thế chắc người mạn ngược.


Đầy kinh nghiệm đối phó với những pha tranh luận tương tự, lũ con cương quyết giữ thái độ trung lập, thái độ này giúp cuộc chiến tranh lạnh ngay sau đó của hai cụ, rút ngắn thời gian.


Dédé chăm xem thời sự VTV, mémé đổi kênh HTV. Báo ai người nấy đọc TV ai nấy xem. Xem xong kể lại cho nhau nghe  đã trớt quớt. Mà chủ yếu là Mémé, khi thì dời động đất ở Tứ Xuyên sang Hàng Châu, lúc lại đẩy vụ bão khói từ Moscow đến Ucraina. Văn hóa tranh luận của dédé im lặng là vàng trước sai lầm của đối phương, công nhận dédé cao thủ vì mémé nói suốt ngày. Ấy thế nhưng hai mợ gái âm mưu chia cắt, một cụ xuống trông nhà cho gái em đê, nhà nó to mát thế mà giúp việc trông gian gian thế nào ấy cũng không nhé, cứ là phải đôi lứa bên nhau đứa nào biết nấu nướng cho bố mày ăn bằng mẹ.


Ba bốn đời sinh ra ở Hà Nội, chút hương dân thủ đô có lẽ chỉ còn trong cách nghe điện thoại. Bảy mươi hơn, cầm máy lên là thẽ thọt alô Mộng H. tôi nghe đây. Mặc cho hai mợ gái hăm he hằm hè hay bò lê bò toài cười dưới sàn nhà vẫn tiếp tục dạ thưa anh cầm máy đợi tôi gọi em nó ạ. Cách đây vài tháng, khi cháu cố -tức là nàng- cầm máy lên và cũng anhô y trang, thì phong cách đặc trưng thủ đô này mới được chấm dứt bằng cái cười mủm mỉm ra chiều xấu hổ.


Thời bao cấp hằn đầy trong phong cách sống của mémé, cho dù hơn ba mươi năm chả thiếu thốn thứ gì trừ sức khỏe. Ai đời dãy tủ bếp bằng gỗ pơmu đẹp thế, bao nhiêu núm tủ là bấy nhiêu túm dây thun. 16 ngàn một ký bao rác xài cả tháng mới hết, nhưng không, mỗi lần đi siêu thị là một lần nèo xin thêm một cái bao nilông to để về đựng rác. Bao lớn bao nhỏ, xếp tầng tầng lớp lớp hết chỗ trong kho thì mang dúi xuống gầm giường. Gái chị chỉ rình đi vắng để thủ tiêu, chấp nhận vài ba ngày đi làm về chào là quay ngoắt lên lầu như người dưng. Gái em nhỡ việc xin bà cái bao, cứ gọi là tung tăng sung sướng cả tiếng đồng hồ, mẹ không cất thì con chị mày nó vứt hết còn đâu Vấn nạn dây thun và bao nilông  không chỉ nhà mình dính. Nhà sui gia, giàu nứt đố đổ vách mà mémé bên ấy còn giặt cả bao đựng cá để dùng lại. Riêng tiền xàbông và nước giặt đã gấp ba mươi lần túi. Nghe mình tính thế, mémé có vẻ suy nghĩ lung lắm. Hôm sau, vốn đã dùng cái thìa múc bột ngọt để lường xàbông cho máy giặt, mémé hứng lại nước xả đầu để giặt cây lau nhà. Gào thét ầm ĩ mới chịu đổ nhưng mình biết thừa, quay lưng đi là mémé tái xử dụng nước suýt máy giặt tắp lự. Gái em lâu lâu về dọn sạch đồ ăn thừa trong tủ lạnh, lủng củng cơ man nào là hộp, có hộp chỉ mỗi góc tư khứa cá kho đời nảo đời nào, mồm đánh tiếng con xin bà nhá về đỡ đi chợ kỳ thực, ngang thùng rác là quăng. Cứ thấy tủ lạnh chật chật là lại phải cầu cứu nó nhưng bài này đôi khi phản hiệu quả bởi, mémé thấy lấy nhiều lại nấu gấp đôi gấp ba thường lệ.


Dạo mình làm WC 2/3h sáng mới về, dédé trong phòng khách mémé ngoài sân tiết kiệm điện ngồi trong bóng tối, chờ con.  Xịch xe đã thấy kéo cổng. Đêm nào cũng như đêm nào. Thật may là lúc các cụ còn khỏe đưa đi chơi được khắp nơi, lần gần nhất đi Bắc Kinh hai mợ gái phải mượn xe lăn vừa khênh vừa đẩy mémé, đến giờ thi thoảng vẫn chẹp chẹp tiếc đến tận chân Vạn lý trường thành rồi mà không leo được lên cao như chúng nó. Lưng còng chân chậm mắt mờ, nhìn người già công nhận thương.