Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

VỀ PHÁT BIỂU CỦA GIÁO SƯ CHU HẢO

Beo đi vắng, sự thể ra sao không
nắm cụ thể. Nguồn nội bộ kể rằng, các phát biểu trong cuộc gặp gỡ giữa
Tổng Bí thư với Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam sáng 13/8
, chán,
cũ lắm lắm. Không thể bình trên nguồn thông tin không chính thức, vậy nên chỉ
xem cái cũ cái chán ấy trong một ý kiến được đăng trên Bee.net.vn ra sao.


Dấu ấn thứ nhất mà chúng tôi thiết tha mong muốn ông
sẽ để lại là tư tưởng chiến lược được thể hiện trong việc sửa đổi Hiến pháp Năm
1992 đang chuẩn bị tiến hành. Nếu ông chỉ đạo để lần sửa đổi này không phải chỉ
là sửa những điều không thật quan trọng và cấp thiết lắm như bỏ HĐND cấp Huyện,
hay người dân được trực tiếp bầu Chủ tịch Xã… mà hai điều khác mang tính đột
phá là:


1) Nhất thể hoá chức danh Chủ tịch Nước với chức danh TBT
của Đảng cầm quyền;


2) Trả lại quyền phúc quyết những vấn đề hệ trọng nhất
của Đất nước cho nhân dân thông qua trưng cầu dân ý trực tiếp.


Không thể hiểu nổi, nói cách dân
dã hiểu được chết liền, tại sao ông Chu Hảo -một trí thức tiếng tăm- lại quan
niệm về sự quan trọng phi thực tế đến vậy. Dẹp bỏ một cấp trung gian vô thưởng
vô phạt đông đúc rải khắp nước như HĐND huyện, đỡ tốn biết bao nhiêu tiền thuế cho
dân. Dân được bầu trực tiếp cấp chính quyền thấp nhất, một việc liên quan trực
tiếp và mật thiết đến cuộc sống hàng ngày của hàng mấy chục triệu con người,
một biểu hiện cụ thể nhất để chính quyền thuộc về nhân dân. So ra, việc
ghép hai chức danh cao nhất bộ máy nhà nước, là vô bổ nhất.


Cái lợi thấy ngay  của việc một
người hai chức là giảm bớt vài chục biên chế phục vụ. Cái lợi thứ hai, khi giao
tiếp quốc tế, TBT sẽ được đón tiếp theo nghi thức chủ tịch nước vì, ngoại trừ
dăm ba nước anh em xã hội chủ nghĩa xưa, cả thế giới bây giờ không xếp TBT vào
hàng nguyên thủ.


Và hết. Không thể tìm thấy gì
thêm trong việc nhất thể kia những động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước. Cũng
không thể tìm thấy gì thêm trong việc điều hòa, kiểm soát quyền lực của hai nhóm
lập pháp (quốc hội) và hành pháp (chính phủ).


Thực chất, những quyết định
quan trọng bậc nhất, như ban bố tình trạng khẩn cấp chẳng hạn, chủ tịch nước
chỉ là người thay mặt Bộ chính trị hoặc Ban chấp hành TW để kí tá. Ý chí cá
nhân, hay nói như Chu Hảo, dấu ấn cá nhân, hầu như không có khả năng phát huy
tối đa trong thể chế hiện hành. Chưa kể, với thực tế nhân sự cụ thể, việc tập
trung quá nhiều quyền lực vào một con người, có khi lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.


Ý hai nhỏ trong mong muốn tha
thiết đầu của ông Chu Hảo, Beo sẽ tra cứu thêm xem trong UN, có nhà nước nào
quyết việc hệ trọng bằng hình thức trưng cầu dân ý  hay, họ chỉ dùng hành động này như một hướng
tham khảo.


Dấu ấn thứ ba mà chúng tôi tha thiết mong Tổng bí thư
để lại là một Chiến lược tổng thể và bền vững trong quan hệ đối với Trung Quốc,


Đọc đến đây thì không thể
nghiêm túc được nữa, đành gọi ông là chí
thức thôi. Chiến lược tổng thể và bền
vững trong quan hệ đối với Trung Quốc
cả ta lẫn Trung đều đã có cả có từ
lâu, không phải đợi đến đời TBT này mới xây dựng để tạo dấu má. Vấn đề bây giờ
vận dụng chiến lược tổng thể kia uyển chuyển thế nào cho phù hợp với tính khí
thất thường của ông hàng xóm xấu tính.


Nhìn sang Philippines làm
ví dụ, nếu chỉ đọc báo Việt (có lẽ mục đích ngầm ý so sánh) sẽ thấy  những tuyên bố phát ngôn rất hùng hồn, rốt
cục hàng nguyên thủ phải lóc cóc sang tận Trung nam hải cầu hòa chuyện biển
Đông. Ngoại giao thế giới những năm này, tính thực dụng được đặt lên hàng đầu.
Thể diện quốc gia nỗi gì dăm ba câu khí phách mà để máu chảy đầu rơi.


Chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với tư cách một người
từng làm công tác nghiên cứu khoa học, ông sẽ mở đầu cho một thời kỳ mới, thời
kỳ các cấp lãnh của Đảng thực sự tôn trọng tư duy độc lập; chấp nhận sự đa dạng
trong sinh hoạt tinh thần – tư tưởng; lắng nghe và sẵn sàng trao đổi, đối thoại
với mọi cá nhân và tập thể có các ý kiến đề cập đến những vấn đề hệ trọng của
Đất nước một cách nghiêm túc và xây dựng, kể cả các ý kiến trái chiều.


Thật ra ý này rất hay, nếu…


… trí thức ta có tư duy độc lập.


… trí thức ta có ý kiến trái chiều.


Nhưng đào đâu ra những của
hiếm như thế, để cho đảng tôn trọng.


Bày tỏ một tư duy độc lập, buộc
phải kèm theo những luận cứ khoa học bảo vệ sự độc lập của mình. Lấy hai ví dụ.


Phản đối việc khai thác bôxít
thì phải trưng ra các công trình khoa học cho thấy tác hại về môi trường, về
kinh tế tương lai …với các thông số cụ thể. Lập nguyên trang mạng tập hợp mấy
chú chí, toàn thấy hết chửi bố chính quyền lại chuyện Thị Beo ngủ với giai. Độc
lập hay bô shit ?


Ai cũng có thể phê phán ngành
giáo dục nhưng chưa thấy ai công bố một đề án cải tiến ra tấm ra món nào cho
ngành này. Trong khi đó, người (duy nhất sau nhiều năm) đưa ra lí thuyết nền
tảng cho mọi sự cải cách: sự trung thực, bị chính các nhà chí thức dập cho tới bến. Hàng loạt các kết quả tệ hại các môn phơi
bày  sau các cuộc thi, chí thức tìm đủ mọi lí do để đích cuối
phải chịu trách nhiệm: Đảng độc quyền và nhà nước, trừ lí do nó là hệ quả tất
yếu của sự thiếu trung thực triền miên hàng thế hệ của chính giới trí thức. Độc lập hay bầy đàn?


“Bản thân phê phán, nhiều
nhất có thể, làm yếu đi uy tín của một lí thuyết cho trước, và với việc đó làm
mềm sự phản kháng trí tuệ đối với một lí thuyết mới. Nhưng chẳng bao giờ có thể
dẫn tới việc đánh đổ một lí thuyết đã được chấp nhận. Thế chỗ cho một lí thuyết
cũ chỉ một lí thuyết mới, nếu chuyên ngành được thuyết phục rằng nó có thể dùng
được tốt hơn” (Kornai Janos-Nguyễn Quang A dịch).


Phải tay Beo, sẽ không dịch
như ông Quang A, mà Việt hóa nó thế này: hãy trưng trí tuệ ra đi cho bàn dân
thấy trong óc não có gì khá khẩm. Cứ lăn đùng ngã ngửa la làng mãi, chán lắm,
cũ lắm.