Thứ Ba, 17 tháng 4, 2012

Vô tâm, vô giáo dục và...vô cùng lí tưởng

Copy từ KHẢI ĐƠN 
đồng quan điểm với tác giả này và xót thương cho những kẻ vô tâm vô giáo dục vô
cùng lí tưởng đang rao giảng đạo đức nơi nơi.


 


Lại những đứa trẻ cuồng và
những người lớn phẫn nộ
Một kịch bản thú vị:
Sao Hàn đến Việt Nam
Fan Việt Nam hôn ghế sao Hàn, quỳ lạy ở sân bay, sụp khóc vì không gặp, dẫm đạp
lên nhau để đến gần sao Hàn. Người lớn bắt đầu những cuộc rì
rầm, lắc đầu ngán ngẩm.
Sự phẫn nộ leo thang.
Lũ trẻ ngu xuẩn.
Lũ trẻ mê cuồng bấn loạn.
Lũ trẻ giàu có, sung sướng, rảnh rỗi thân xác quá, chưa bao giờ khóc thương cha
mẹ nhưng sẵn nước mắt gào rú đau khổ vì không gặp sao Hàn.
Cái ghế thằng Bi Rain ngồi có khác gì ghế người khác ngồi. Sao phải quỳ xuống hôn
hít…cái mông nó? (Xin lỗi anh Bi Rain)
Ở hai thế giới “lệch pha”
Thật kì quái. Hãy tưởng tượng thế giới của đám trẻ con thế này.
Chúng có 18 năm trong đời để được gọi là “trẻ con”. Với thời bi giờ thì hết khoảng
12 năm trong số đó chúng chơi với internet. Nhưng đó là “thế giới ngầm” của
chúng. Cái thế giới thực mà chúng sống chung là gì?
Đó là những ông bố bà mẹ có biết xài internet để làm ăn, để email, nhưng chẳng bao
giờ tưởng tượng nổi thế giới internet ấy khổng lồ, ghê gớm và đầy quyền lực đến
mức nào. Họ không thể biết con cái họ có thể học làm bánh, trang điểm, làm đồ
chơi thủ công siêu đẹp qua internet. Họ không biết chúng có thể ngồi ôm đàn hát,
post youtube và… trở thành ngôi sao qua mạng. Họ không biết chúng có thể biết
về một thế giới… người lớn còn người lớn hơn cả họ. Đó là 1 thế giới không có
giới hạn – trừ khi họ ngắt luôn mạng internet ở nhà và nhốt chúng vào 4 bức tường.
Ở trường, đám trẻ học cách tả con gà, tả cô giáo, học cách nói về 1 hành động tốt
giúp bạn, học cách tả ngôi trường của nó. Lớn hơn một chút, chúng học Rừng Xà
Nu, học Mảnh Trăng Cuối Rừng, học Đôi mắt “nhận đường” của Nam Cao. Chúng còn
học về một cơ số các người hoàn hảo, linh hồn vĩ đại của thời đại, trái tim hi
sinh cho nhân loại, anh hùng trẻ tuổi lao vào kho đạn…
Nhưng ở ngoài kia, thế giới “trên mạng” của những tâm hồn bé nhỏ đã phình ra đến
vô cùng. 12 tuổi, chúng cầm điện thoại di động đi làm phim ngắn. 16 tuổi, chúng
chơi trong những nhóm nhảy và vẽ tranh đường phố quen biết qua mạng. 18 tuổi,
bước chân vào đại học, chúng nộp dự thi một bộ phim hoạt hình ghép từ những bức
ảnh chụp liên tiếp. Trong khi đó, ở trường, cô giáo vẫn mải mê giảng về cơ chế
hoạt động của chiếc lò gạch và các phép cộng hóa học chúng chưa bao giờ thấy
trong đời.
Cũng trong hai thế giới “lệch pha” đó, ông bố, bà mẹ, nhà tâm lí học, nhà báo vẫn
đang bận lùm xùm trách móc, tranh luận trên mạng là có nên dạy giáo dục giới
tính từ lớp 2 không? Có nên “vẽ đường cho hươu chạy” từ lớp 5 không? Chắc chắn
phải có thầy cô tâm lí ở trường – nhà tâm lí và nhà giáo dục kết luận thế. Trong
khi đó, 11 tuổi, có lẽ những cậu trai đã bắt đầu xem những đoạn phim “người
lớn” trên trang lauxanh hoặc tha hồ thấy các hot girl, ca sĩ đua nhau lộ hàng,
cởi quần, cởi áo trên mạng. Những cô bé gái chưa được mẹ dạy cách sử dụng băng
vệ sinh đã kịp thấy việc cởi áo sơ mi để lộ áo ngực màu hồng hờ hững và chụp
hình trên mạng thì sẽ được các bạn xem là hot girl xinh đẹp.
Vô tâm, vô giáo dục và… thích đạo đức
Đó là thế giới của người lớn. Những ông bố bà mẹ ra đường chụp giật, làm việc vô
tâm, lừa lọc, đánh một người già lỡ va quẹt xe với mình, phây phây vượt đèn đỏ,
hân hoan nâng li bia chúc tụng nhau khi mua được bằng thạc sĩ tiến sĩ giả…. Họ
tự hào là họ đang nuôi nấng thế giới của những đứa trẻ chưa biết làm và vẫn còn
há họng ăn nhờ cha mẹ.
Họ phẫn nộ gào lên “Chúng mày chưa khóc cha khóc mẹ nhưng đã đổ xô đi khóc thần
tượng”. Họ la mắng lũ trẻ là sống vô nghĩa, không lí tưởng, không khao khát hành
động, không yêu cuộc sống, phù phiếm, giả tạo, mê muội những ca sĩ, sao Hàn từ
xa xôi ở đẩu ở đâu đến.
Họ gọi tên chúng là mù quáng.
Những đứa trẻ thật mù quáng.
Chỉ có điều, vào ngày chúng nói rằng muốn xin tiền đi nghe thần tượng hát, họ dư
thừa tiền nên ném ra cho chúng chơi. Bởi sao, tiền của họ kiếm bằng cuộc dẫm đạp
lên người khác, dễ dàng và đơn giản quá, cho con chơi chút có sao? Họ vô tâm
trước thế giới tâm hồn bí ẩn và cô đơn của chúng. Họ ngụp lặn bên tiền, cốc bia,
quần áo, đồ hiệu. Có tiền vác về sắm sửa lên người đám con – âu cũng đã là khó
nhọc lắm rồi. Thậm chí, có gia đình còn hoảng loạn không hiểu vì sao con mình
tự tử, chỉ giải thích một câu duy nhất là “cháu ở nhà ngoan thế kia mà!” cho sự
tiếc thương muộn mằn.
Vào ngày đi học, thầy cô chẳng dạy gì cho đám trẻ về sự tự tin của 1 con người,
giá trị vô tiền khoáng hậu của chúng, sự kì diệu của thân thể và trái tim chúng.
Họ bắt chúng chạy trên những sân thể thao hời hợt để kiếm 10 phẩy thể dục. Họ
chửi bới, sỉ vả chúng vì cha mẹ chúng không đóng đủ tiền “quỹ hội hỗ trợ giáo
dục”. Họ quay lưng và từ chối cách đứa trẻ miêu tả niềm hân hoan của chúng
trước một điệu nhảy hip hop, trước những bức tranh tường của kẻ giang hồ ngoài
phố. Những đứa trẻ chưa bao giờ dám nói rằng chúng thích được xem ngôi sao Hàn
Quốc hát hơn là đứng đồng ca một cách ngoan ngoãn “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì
cho ta…” Thầy cô từ chối những đứa trẻ tỏ ra dốt nát hơn bạn bè chúng – có nguy
cơ biến thành nhân tố khiến họ không thể trở thành giáo viên giỏi cấp thành phố
5 năm liền.
Không ai cho chúng bày tỏ cảm xúc tự nhiên của ngày lớn lên, ngoài chính những đứa
trẻ giống chúng….
Ngày hôm qua, có Soundfest, lại một cuộc dẫm đạp và hân hoan, nước mắt và sự say
mê cuồng loạn. Muôn đời thì showbiz vẫn vậy, ngôi sao được lòng khán giả thì
khán giả sẽ si mê lao theo. Nếu không ai gọi là ngôi sao? Có cái phim Mỹ, phim
Nhật, phim Trung Quốc nào mà ca sĩ nổi tiếng xinh đẹp không được đám đông fan
hâm mộ lao theo chưa?
Báo chí, người lớn, người già lại cao giọng tự hỏi “Tại sao phải cuồng?” “Hôn ghế
thần tượng, thật quá đáng!”, “đám đông fan cuồng ngu ngốc!” – đại khái vậy. Rất
tiếc năm nay tôi không đi Soundfest (nên viết bài này thật khiên cưỡng) nhưng
năm ngoái khi đi nghe Bob Dylan hát, trong sân của RMIT thì tôi gặp một thế hệ
những fan hâm mộ hơi già già một tẹo. Vâng, ban đầu thì họ ngồi xuống như dự
một buổi cắm trại âm nhạc ngoài trời tao nhã. Sau khi anh Bob Dylan xuất hiện
thì họ quăng hết tương ớt, vỏ hộp cá viên chiên, ly nước ngọt zô mặt người khác
và lao lên sát gần sân khấu để nhìn anh Bob Dylan cho rõ mặt.
Đêm hôm đó toàn người già + người nước ngoài: cái đám người mà bi gờ người ta vẫn
cao giọng bảo là đầy văn hóa và điềm tĩnh ấy. Và đêm hôm đó cái sân của RMIT
rác trắng một trời, hộp đồ ăn vứt tứ tung, tương ớt tương cà nhoe nhoét hết tất
cả cái sân. Anh Bob Dylan yêu quý của tui thì vẫn hát. Nhưng tui thì fải đứng
dậy, bò ra chỗ khác đứng vì xung quanh đã đầy đồ ăn dính dớp dơ bẩn.
Vậy đó, đám đông thì vậy, hội âm nhạc nào chả thế. Đau lòng nhất là nếu như sân
khấu hay khu vực khán đài bố trí có góc chết thì thể nào trong cơn mê cuồng cũng
có người bị dẫm đạp, bị thương, bị chết.
Nhưng mấy sự điên cuồng đó không phải 100% vì đó là đêm nhạc có sao Hàn, sao Trung
Quốc, sao Mỹ gì hết nha. Và sự mê đắm cuồng loạn, “thiếu lý tưởng” (như 1 số
người gọi tên) của đám trẻ thì không phải là lỗi do chúng.
Nếu thích đám trẻ sống lí tưởng, người lớn làm ơn cho tụi nhỏ 1 đám sao có ý nghĩa
hơn là ngọn đuốc sống, anh hùng bắn xuyên táo, thiêu bàn tay zới lao động giỏi
yêu tổ quốc đi. Đã đến thời của những con người lí tưởng chân thành với cuộc
sống của mình và sống ý nghĩa nhất với bản thân, trái tim và linh hồn của chính
mình – không phải là linh hồn đậu đại học, linh hồn đoạt giải nhất Văn cấp tỉnh
hay linh hồn thần đồng đâu.
Khi người lớn từ chối giọt nước mắt của những đứa trẻ, thì đừng trách chúng sao
sống không có lí tưởng!