bài của Hoàng Chiến Thắng
Nếu như vụ án Dương Chí
Dũng ở Vinalines được coi là “đại án tham nhũng” thì vụ xét xử Dương Tự Trọng
lại được xem là một “đại án nhân tâm”.
Gọi là “đại án nhân tâm”
là vì vụ án này từ khi bắt đầu cho đến khi đứng trước phiên tòa (và có thể sẽ
đến cả nhiều năm sau) ngập tràn trong cảm giác tiếc nuối hơn là căm giận hay
hoan hỉ. Chữ “giá như” được dùng rất nhiều trong các bài báo sau sự kiện Dương
Tự Trọng bị bắt. Hết thảy, từ dư luận cho đến đồng nghiệp trong ngành công an
đều có chung cảm giác tiếc cho Dương Tự Trọng.
Trong thập kỷ 90 của thế
kỷ trước, nói về đánh án hình sự ở phía Bắc, có những cán bộ công an được coi
là có biệt tài là Phan Văn Vĩnh (GĐ Công an tỉnh Nam Định - nay là Trung tướng,
Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm), Nguyễn Đức
Nhanh (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội, rồi sau là Phó Tổng
cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Giám đốc Công an TP Hà Nội - Trung tướng Nguyễn
Đức Nhanh vừa mới nghỉ hưu) và Dương Tự Trọng.
Ngoài đánh án, Dương Tự
Trọng còn rất được lòng người bởi tính cách có phần nghệ sỹ, sống phóng khoáng.
Mấy chục năm cống hiến
và theo nghiệp công an, đến những năm cuối cùng, Dương Tự Trọng lại đi ngược
lại với lý tưởng của mình và có thể sẽ phải đứng sau song sắt với những kẻ đầu
trộm đuôi cướp trước đây đã “đầu hàng” trước Dương Tự Trọng.
Nếu Dương Tự Trọng không
liều mình cứu anh mà vi phạm pháp luật, hẳn con đường quan lộ của ông còn rộng
dài. Với tài năng và sự tận tụy, nhiệt tâm với công việc cùng với danh tiếng
vốn có, ông sẽ lại thăng tiến và kỳ vọng giữ những chức vụ quan trọng hơn nữa
trong ngành công an.
Nếu như vậy, người ta sẽ
biết Dương Tự Trọng là một người không chỉ giỏi đánh án mà còn là một người
lạnh lùng, “pháp bất vị thân”. Hình tượng đó có thể sẽ rất được ngợi ca - nhưng
có vẻ như không giống với con người vốn có của Dương Tự Trọng.
Những ai đã từng gặp gỡ
Dương Tự Trọng đều biết đến một con người này sống nặng nghĩa nặng tình. Và cho
đến khi đường quan lộ thênh thang nhất, ông lại bị “ngã” cũng chính bởi chữ
“tình” ông hằng tôn thờ. Đúng như ngạn ngữ phương Tây có câu “Sống vì điều gì thì
chết vì điều đó”. Thêm một chữ "giá như" được đặt ra: Giá như Dương
Tự Trọng biết cách sống vô tình hơn.
Xưa kia, luật Hồng Đức
có quy định: Cấm con cái tố cáo cha mẹ, vợ tố cáo chồng, anh em tố cáo nhau…
nếu tố nhau thì chịu “lưu châu xa” (đày đi làm việc ở xứ xa). Điều cơ bản của
luật này là để giữ đạo nghĩa trong gia đình. Tiếc là luật pháp mới của ta không
còn giữ điều này - mặc dù, xã hội chúng ta luôn kêu gọi xây dựng xã hội tốt đẹp
với hạt nhân là gia đình.
Chữ "giá như"
thứ 2 xuất hiện: Giá như Dương Tự Trọng đừng sống trong thời này, mà sống dưới
thời có Luật Hồng Đức.
Thêm chữ "giá
như" thứ 3: Giá như Dương Tự Trọng sa ngã vì danh vọng, tiền bạc chứ không
phải vì tình anh em ruột rà, máu mủ. Có lẽ, người ta sẽ cảm thấy đỡ tiếc hơn.
Có quá nhiều chữ “giá
như” đặt ra trong nỗi băn khoăn về con người mang đầy tiếc nuối này.
Người ta vẫn nói người
sống nặng tình thường hay chịu khổ. Và quả thật, ở tuổi 52, đến nửa bên kia
cuộc đời, Dương Tự Trọng mới thấm thía được.
Ít ai biết, ngoài tài
đánh án, Dương Tự Trọng còn đam mê nghệ thuật và thích làm thơ. Ông có một bài
thơ viết về mẹ từ nhiều năm trước mà bây giờ ngẫm lại, những người quen biết
ông mới cảm thấy nó như một dự cảm đau đớn:
“Chỉ có mẹ thôi!
Không bỏ con, dù thế nào đi nữa
Trái tim nồng nàn, vị tha vời vợi.
Đau đáu thương con, nhẫn nhục trọn đời…”
Không bỏ con, dù thế nào đi nữa
Trái tim nồng nàn, vị tha vời vợi.
Đau đáu thương con, nhẫn nhục trọn đời…”
Có lẽ sau này, khi được
về lại với cuộc sống tự do, Dương Tự Trọng cũng sẽ không còn gì nhiều, ngoài
những ký ức đẹp về một thời lừng lẫy và người mẹ già “không bỏ con dù thế nào
đi nữa”.
Chỉ có điều Dương Tự
Trọng cũng sẽ sống trong nỗi đớn đau - đớn đau không phải vì mất hết sự nghiệp,
chịu cảnh lao tù - mà đớn đau vì để cho mẹ cha già phải chịu "nhẫn
nhục" trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.