Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

Hãy đứng về phía ông ấy! (Beo đứng về phía bạn này))

Copy từ  bạn này


 


Hơn một tháng nay, hình ảnh Bộ trưởng GTVT mới nhận chức Đinh La Thăng đầy các mặt báo, cả khen lẫn chê, đồng tình lẫn phản đối những gì ông nói, ông làm. Dường như hầu hết những khen chê ấy đều “hơi quá”-nghĩa là không thật đúng với mức độ sự việc thật. Người Việt có thói quen là nếu thích hoặc đồng tình khì khen vống lên, ngược lại nếu ghét hay không đồng tình thì chê chẳng ra gì.


Để có một cái nhìn công bằng, hãy sơ lược một chút về bức tranh của ngành GTVT trước khi ông Thăng ngồi vào cái ghế Bộ trưởng.


Cuối những năm 90, cùng với sự bùng phát về sống lượng xe máy, sau đó là ôto tham gia giao thông trong khi cơ sở hạ tầng không được  cải thiện gì mấy, tai nạn giao thông đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Tháng 7 năm 2002, Tiến sỹ vận tải Đào Đình Bình nhận chức Bộ trưởng, số người chết vì tai nạn giao thông gần 13 ngàn người/năm. Lúc đó, Bộ GTVT ngoài chức năng quản lý nhà nước còn ôm thêm khoảng hơn 80 Tổng công ty và hàng loạt các PMU – Ban Quản Lý dự án. Xét về luật, các PMU này là các quái thai vì nó không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà cũng chẳng phải doanh nghiệp. Các PMU là “tác phẩm” của ngành GTVT đầu những năm 90- thay mặt nhà nước quản lý các dự án GTVT với số vốn đầu tư khổng lồ. Đến thời ông Bình, nó bắt đầu có dấu hiệu phát bệnh và đã có nhiều ý kiến nên chuyển các PMU thành doanh nghiệp, hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Những kiến nghị đó đã không được tiếp thu. Được trao quyền hành quá lớn trong khi thiếu cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ, hệ quả tất yếu là tiêu cực tại các PMU mà trong đó PMU 18 là vụ đình đám nhất. Ông Bình phải rời ghế Bộ trưởng GTVT tháng 6/2006.


Đến thời ông Hồ Nghĩa Dũng, nghành GTVT cũng chẳng có gì đột biến. Từ năm 2000 đến 2009, mỗi năm số lượng xe máy tham gia giao thông tăng đều khoảng 2.2 triệu chiếc, oto các loại khoảng 800 ngàn chiếc, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông gần như không cải thiện gì mấy. Dù đã làm tốt việc vận động người dân độ mũ bảo hiểm nhưng số người chết vì tai nạn giao thông chưa năm nào thấp hơn 11.5 ngàn người, nghĩa là hơn 30 người chết mỗi ngày. Thêm vào đó, tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố lớn Hà nội và TP HCM đã “tệ hơn bao giờ hết”. Trong bối cảnh đó, ông Hồ Nghĩa Dũng đã đề xuất giải bài toán giao thông bằng Đường sắt cao tốc với hơn 50 tỷ tiền ông Tơn trong khi đất nước chưa kịp phục hồi từ khủng hoảng kinh tế. Nếu như không có những cái đầu tỉnh táo tại Quốc hội, đất nước đã một phen lao đao.


Ngay từ khi nhận chức ông Thăng đã xác định giảm tai nạn giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông là mục tiêu hàng đầu. Ông bắt đầu nã những phát đại bác đầu tiên. Hơn một thập kỷ, mỗi ngày chứng kiến hơn 30 mạng người chết trên đường, người dân quen dần với chuyện chết chóc ấy và xem như bình thường. “Phát đại bác” của ông Thăng ít ra là liệu pháp shock, giúp ngươit ta thức tỉnh và nhận ra ùn tắt giao thông, tai nạn giao thông hiện nay là không bình thường, là một vấn đề cấp bách cần giải quyết.


Người ta không sai khi cho rằng, việc thay người tại trận, đuổi nhà thầu… là nhằm gây tiếng vang. Nhưng chắc chắn đó không phải là kiểu "làm event” của Nguyễn Thiện Nhân. Những ai từng làm trong nghành dầu khí đều không lạ với kiểu quyết định tức thời của ông. Trong một cuộc họp tại một dự án của ngành dầu khí có ông Thăng (lúc đó là Chủ tịch hội đồng thành viên PVN) tham dự, Giám đốc dự án –một người mình quen- phàn nàn rằng Nhà thầu EPC (cũng là một công ty cháu của PVN) làm không có quy trình bài bản. Ông bảo “thế thì cậu nên về phía Nhà thầu để làm cho nó bài bản”. 48 giờ sau anh kia trở thành Giám đốc dự án phía Nhà thầu. Ghế xoay 180 độ!


Rồi một lần khác, trong một cuộc họp tai công trường, ông bảo phải thay Giám đốc dự án. Một tuần sau Giám đốc dự án của Nhà thầu Hàn quốc về nước, một người mới qua thay, tiến đọ dự án được cải thiện. Phong cách của ông là muốn làm dứt khoát, muốn thấy sự thay đổi ngay lập tức.


Nhìn ở góc độ nhà quản lý, người ta có phần đúng khi cho rằng phong cách tướng quân của ông chỉ phù hợp để làm một Chỉ huy công trường chứ không phải làm Bộ trưởng. Bộ trưởng điều khiển hành vi xã hội thông qua các văn bản pháp quy chứ không phải bằng mệnh lệnh. Tuy nhiên, giải quyết một vấn đề lớn tồn tại hàng thập kỷ nay như tai nạn và ùn tắc giao thông, một “nhà quản lý sa-lông” sẽ không làm được, cần có một gương mặt rất quyết đoán, dám làm mạnh tay, dám “vượt rào” nếu thấy cần thiết. Ông Đinh La Thăng hôm nay đang làm người ta hy vọng về một gương mặt như thế. Cũng như không thể phủ nhận vai trò sự quyết đoán của Nguyễn Bá Thanh trong sự tươm tất về mọi mặt của TP Đà Nẵng hôm nay. Dĩ nhiên, tấm huy chương nào cũng có hai mặt.


Giải quyết vấn đề giao thông hôm nay không phải là việc một sớm một chiều, ít nhất cũng phải mất nhiều năm nếu có lộ trình tốt. Khó có thể nói một người như ông Thăng không hiểu chuyện đó. Có thể ông đang tìm một những giải pháp có hiệu ứng tức thời dù rất nhỏ để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, như là trận mở màn giòn giã, tạo niềm tin cho một cuộc chiến trường kỳ. Những giải pháp của ông Thăng hôm nay có thể là chưa đúng, chưa phải là tối ưu. Nhưng ít ra ông đã nhìn thẳng vào thực trạng tai nạn và ùn tắt giao thông, muốn giải quyết nó một cách triệt để, không ngại va chạm. Như thế đã là điều đáng hoan nghênh. Có thể nhiệm kỳ này ông không giải quyết triệt để được, nhưng ít ra nó cũng tạo ra một sự mở đầu về tinh thần để người kế nhiệm ông tiếp tục công việc khó khăn này.


Những người tự cho là giỏi hơn, biết giải quyết bài toán giao thông tốt hơn ông Thăng, thay bì dè bĩu hay săm soi những gì ông nói, ông làm hãy tìm hiểu thật kỉ các khó khăn của ngành giao thông hiện nay, đề xuất một giải pháp tòan diện gửi ông ấy. Còn nhớ cách đây hơn một năm, khi có manh nha dự án Đường sắt cao tốc, một kỹ sư đường sắt đã gửi bản kiến nghị phân tích thay vì làm đường sắt cao tốc nên cải tạo tuyến đường sắt hiện có. Kiến nghị đó không được ngành đường sắt tiếp thu, nhưng đấy là việc làm của một người trí thức có trách nhiệm.


Đối mặt với thực trạng hơn 30 người chết mỗi ngày trong hơn một thập kỷ qua và nạn ùn tắc giao thông hầu như hàng ngày tại các nút giao thông quan trọng tại Hà nội và TP HCM, ông Thăng tự nhận là Tư lệnh trong cuộc chiến. Thay vì đứng ngoài quan sát rồi buông những bình luận như đang xem một trận đá bóng giữa hai câu lạc bộ ở Châu âu, hãy đứng về phía ông ấy, những NGƯỜI-YÊU-NƯỚC-BẰNG-NGÓN-TRỎ ạ!