Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI CÁ THÁNG TƯ–HẾT



BÀI CỦA ĐINH HẢI BẰNG TRÊN SOI 
TỪ CHÂM BIẾM THÀNH CA NGỢI
Khuyến mãi:
Đoạn về Lê Hồng Thủy Tiên bên trên bị xuyên tạc đã kinh, nhưng vẫn chưa kinh bằng đoạn về Alan Dương. Báo người ta “tố” thế này (điêu hay không điêu chưa biết nhé):

Khi Dương 10 tuổi, căn nhà thời thuọc địa được cơi nới của gia đình cô ở Hà Nội bị nhà nước tịch thu. “Họ cáo buộc chúng tôi là tư sản bởi vì chúng tôi có căn nhà to. Chúng tôi bị đuổi ra đường.” Bốn năm sau đó, vào năm 1988, cuộc sống khó khăn đến nỗi Dương và bố cô, một cựu chiến binh quân đội nhân dân Việt Nam, gia nhập đoàn thuyền nhân vượt biên tìm cuộc sống tốt hơn ở nước ngoài. Chúng tôi trả một khoản tiền lớn để được lên một chiếc thuyền cá vượt biên qua Hong Kong. Thuyền có thể chứa được 20 người nhưng có tới 72 người lên thuyền. Chúng tôi không biết liệu có thể sống sót.” Bão và cướp biển là những mối đe dọa lớn, chiếc thuyền khởi hành cùng thuyền của họ đã đắm, Dương kể. Mẹ cô, ở lại để bảo vệ chút tài sản nhỏ nhoi mà họ còn lại ở Việt Nam, hầu như không ngủ trong suốt 17 ngày hai cha con trên biển cho đến khi nhận được tin hai cha con đã an toàn.
Dù vậy, họ đến Hong Kong quá muộn. Các chương trình tái định cư chính thức cho thuyền nhân Việt Nam đã chấm dứt. Hai cha con Dương trải qua năm năm sống trong trại tị nạn với kẽm gai bao quanh. “Như là ở tù,” cô kể. “Không có chút không gian riêng nào, và vào giờ đi tắm chúng tôi bị dội nước tẩm thuốc diệt trùng như lũ lợn.” Không chứng minh được mình là dân tị nạn chính trị, cuối cùng họ trở lại Việt Nam khi cô 19 tuổi.
(The Guardian)
Tien Phong Online “hồng phấn lược dịch” thành thế này:
Thuộc thế hệ 7X, Alan Dương cũng đã trải qua những ngày khói đạn của chiến tranh Việt Nam. Cha cô cũng từng tham gia vào Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bản thân cô cũng hiểu nỗi thống khổ của người dân Việt sống trong cảnh mưa bom đạn, cái chết rập rình.
Tuy nhiên, năm 14 tuổi, Alan Dương may mắn được ra nước ngoài học và trở về nước ở tuổi đôi mươi với khả năng tiếng anh nổi trội. Alan Dương đã làm việc cho một công ty động sản tại Hà Nội với công việc chính là tư vấn nhà ở cho khách hàng người nước ngoài.
(Tiền Phong)
Tiếng Anh của người dịch này phải là bằng C La Mã, và hẳn là đang theo học khóa thiết kế căn bản, đến bài “đổ màu tùy nghi”!

TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI CÁ THÁNG TƯ –TIẾP THEO



 BÀI CỦA ĐINH HẢI BẰNG TRÊN SOI 
TỪ CHÂM BIẾM THÀNH CA NGỢI
Và Tien Phong Online lược dịch thành thế này:
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, 42 tuổi, vợ của doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn, được biết đến không chỉ bởi tài năng mà còn là một người phụ nữ rất giàu có và đầy quyền lực.
Sinh năm 1970, những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ, Thủy Tiên cũng như bao em bé Việt Nam khác đều trải qua những tháng ngày mưa bom bão đạn. Cha cô qua đời khi cô mới lên năm. Mẹ cô một mình nuôi cô cùng năm anh chị em khác. Bản thân Thủy Tiên đã hiểu được những cực nhọc của người mẹ một thân một mình nuôi con.
“Mẹ tôi là một giáo viên và rất nghiêm khắc với con cái. Bà thường răn dạy chúng tôi rằng chìa khóa của sự thành công là làm việc chăm chỉ. Tôi nhớ mãi câu nói đó”, bà Thủy Tiên chia sẻ.
Cái tên Thủy Tiên bắt đầu được nhiều người biết đến vào năm 1990 khi cô bước vào lĩnh vực điện ảnh với vai diễn trong phim “Vị đắng tình yêu”. Tuy nhiên, khi tên tuổi đang trên đường ghi dấu ấn, cô đã quyết định từ giã và chuyển sang làm tiếp viên hàng không cho Vietnam Airlines, một công việc mà nhiều phụ nữ Việt ước ao lúc bấy giờ.
Một thời gian sau khi lập gia đình, Thủy Tiên đã trở thành Tổng giám đốc Công ty Liên Thái Bình Dương-Imexpan Pacific (IPP). Hiện nay, bà Thủy Tiên đang quản lý 25 công ty gắn liền với các thương hiệu thời trang cao cấp, đầu tư vào các trung tâm thương mại với doanh thu hàng năm lên tới 500 triệu đô la.
Không “ồn ào” như những phụ nữ giàu có khác, bà Thủy Tiên chỉ khiêm tốn nói rằng: “Tôi mới đi được một nửa chặng đường của thành công”. Điều này được bà lý giải cho mục tiêu của mình trong thời gian tới là có thể đạt được doanh thu 1 tỷ đô la mỗi năm.
Chia sẻ về những nỗ lực để có được ngày hôm nay, bà Thủy Tiên khẳng định: “Tôi đã nghiên cứu mọi khía cạnh của ngành kinh doanh từ A đến Z, giúp tôi có thể cạnh tranh ở mức độ cao nhất”. Bà cũng cho rằng, thành công lớn của bà đó chính là biết được những gì “người tiêu dùng Việt Nam cần”.
Tập đoàn của bà hiện là nhà phân phối độc quyền của nhiều thương hiệu hạng sang nổi tiếng khắp thế giới như Burberry, Ferragamo và Rolex.
(Tiền Phong)
*
Thực là một sự khác biệt hoàn toàn từ văn phong đến thái độ trong bản gốc so với bản đã được “lược dịch” hoặc “phóng tác” trên báo Việt Nam. Điều đáng nữa là các báo Việt đều nhấn mạnh (và lấy làm tự hào?) việc các nhân vật nữ kia được “báo Anh ca ngợi”, đặc biệt đó lại là tờ The Guardian. Nói cho đúng, bài viết gốc trên tờ này không ca ngợi cũng chẳng đả kích gì các nhân vật này, mà chỉ tường thuật lại như họ thấy ba nhân vật đại diện cho tầng lớp nữ doanh nhân đang lên của Việt Nam. Họ thấy rõ cái hợm hĩnh khoe của lố bịch của Thủy Tiên nhưng cũng ghi nhận sự thành đạt của bà. Họ nêu rõ về thân thế của chồng bà và ngầm đặt câu hỏi về tuyên bố “tự mình làm nên tất cả từ tay trắng” của bà, sau khi đã cho thấy tính cách khó đoán và có phần giả dối của bà ngay từ những giới thiệu đầu tiên về bà trong bài. Không hiểu do trình độ ngoại ngữ, hay do cố tình, qua báo Việt, tất cả những miêu tả hai chiều và những quan sát đầy tinh tế của phóng viên nước ngoài lập tức được quy về cách miêu tả một chiều đầy tán dương, ngưỡng mộ.
Nhưng sự khác biệt rõ nhất về tư duy báo chí nước ngoài và phóng viên nước ta có lẽ là ở khâu chọn ảnh.

                                                                                Ảnh: Nana Chen
Bức ảnh dùng trong bài gốc với cảnh Thủy Tiên mặc đồ trắng muốt ngồi co ro hút nước cam trên ghế mây gần bể bơi đầy sư tử đá, với cô hầu gái mặc đồ ngủ màu vàng lom khom đứng cạnh lột tả được rõ nhất sự hợm hĩnh khoe của thiếu tinh tế của Thủy Tiên, và vô cùng ăn nhập với đoạn miêu tả Thủy Tiên trong căn nhà có tới “mười cô giúp việc mặc đồ ngủ”. Ai đã xem phim nước ngoài tả cảnh các gia đình giàu có (dù là hiện đại, dù là mới giàu) cũng thấy người giúp việc nhà giàu bao giờ cũng phải mặc đồng phục, hoặc ít nhất là ăn mặc tươm tất, không bao giờ có chuyện mặc đồ ngủ trước mặt chủ như ở nhà Thủy Tiên. Bà chủ hả hê và cô đầy tớ khúm núm trong khung cảnh bể bơi với thiết kế lổn nhổn pha cột đá Hy Lạp với sư tử đá Trung hoa, đặc trưng của nhà giàu ít học, thực sự là một hình ảnh phản cảm cho thấy rõ ác ý của phóng viên The Guardian với Thủy Tiên, nhưng không báo Việt nào nhận ra điều này. Có lẽ, phóng viên ta đã quá quen với việc gắn “phản cảm” và “lộ hàng”, nên trước một sự phản cảm vì lộ đầu đất thế này, chúng ta vô cảm.

Nhưng tệ nhất ở đây là đạo đức làm báo. Hoặc bạn dịch (một phần) bài báo kia lên, giữ đúng cái tinh thần của người viết, hoặc bạn không nói gì cả, im lặng giữ cho mẹ chồng “ngọc nữ” được cao quý như vàng ròng. Còn bạn không thể lấy một bài báo đầy tính châm biếm, bỏ hết đi những hành văn có chủ ý của người ta, thêm những câu sáo rỗng của mình vào, phủ một lớp men bốc thơm như ý, rồi đổ ngược lại nói là người ta khen đại gia nước mình. Nịnh thế không đáng là nịnh!
CÒN TIẾP

TUYỆT ĐỐI KHÔNG PHẢI CÁ THÁNG TƯ




BÀI CỦA ĐINH HẢI BẰNG TRÊN SOI 
TỪ CHÂM BIẾM THÀNH CA NGỢI
Trong tháng này, các báo mạng trong nước đua nhau đăng một câu chuyện, có báo còn giật tít rất kêu: “Báo Anh ca ngợi quyền lực của mẹ chồng Tăng Thanh Hà”.
Từ Đất Việt  (nói là dẫn nguồn TTXVN mới ghê!), đến Vietnamnet, đến Dân Trí.
Các báo đăng lại của nhau, nhưng có lẽ dịch giả đầu tiên là của báo Tiền Phong. Bài này có tên: “Báo Anh ca ngợi ba nữ tỷ phú giàu nhất Việt Nam”.
Bài gốc lẫn bài dịch có một điểm giống nhau là đều dài. Còn điểm khác nhau mới là điều đáng nói. Trong bài bàn đến ba nhân vật, xin dẫn ra đoạn về Lê Hồng Thủy Tiên – “mẹ chồng Tăng Thanh Hà”.
*
Bài báo gốc có tên “Từ trẻ sinh ra trong chiến tranh đến triệu phú: những phụ nữ giàu nhất Việt Nam”.
Đây là phần nói về Thủy Tiên. Tôi cũng xin phép được bỏ ra một vài đoạn “nhạy cảm” về chính trị và không nhắc tới Thủy Tiên. Nhà báo người ta viết thế này:
“Món đồ hiệu đầu tiên bà mua trong đời là gì?” Tôi hỏi Lê Hồng Thủy Tiên, nhà triệu phú 42 tuổi người Việt, trong lúc cả hai lượn quanh thành phố Hồ Chí Minh trong chiếc Bentley của bà, trùi trũi như một con ác thú. Cũng đến phải hỏi câu ấy thôi. Suốt nửa giờ trước, tôi đã hỏi về tuổi thơ bà trong những năm chiến tranh Việt Nam (mà ở đây gọi là chiến tranh chống Mỹ). Bà đã lịch thiệp từ chối không để bị lôi kéo. Tôi chỉ còn biết hỏi những câu nịnh bợ về việc bà giàu thế nào. 
“Thực là một câu hỏi tuyệt vời!” bà thốt lên, đôi mày hoàn hảo cong lên hài lòng. Buồn thay, không tuyệt đến thế đâu. Những món bà mua ngày ấy là mấy trăm túi xách Louis Vuitton, đồng hồ đeo tay Bulgari và đầm Chanel, nhiều tới mức Thủy Tiên không sao nhớ nổi mà trả lời. Bà vô vọng lục lại ký ức trong luc bên ngoài cửa kính xe nhuộm tối, đám xe gắn máy vo ve lượn quanh như ruồi.
Dù món đồ đó có là gì, chúng tôi cũng đoan chắc bà mua nó ở Paris vào khoảng giữa những năm 1990s. Hồi ấy, bà là tiếp viên cho hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Vào thời mà chỉ có ít người Việt Nam có thể đi du lịch, đó là một công việc đáng thèm muốn, đến nỗi bà đã chọn nó thay cho một nghề chập chững là làm một ngôi sao điện ảnh mới nổi. Ngày nay, bà là chủ tịch của một tập đoàn thương mại khổng lồ, Imex Pan Pacific Group. “Tôi điều hành 25 doanh nghiệp tư nhân và công ty đầu tư mạo hiểm, phân phối các nhãn hiệu xa xỉ và đầu tư vào các khu thương xá nội địa,” bà nói bằng tiếng Anh đá chút giọng Mỹ, nghe trẻ trung như con gái.
Không giống một số người Việt siêu giàu vẫn ngại ngần khi khoe ra những thành công của mình ở đất nước này, Thủy Tiên chỉ nói về tiền. Sứ mệnh của bà, bà nói thêm, là mang lại doanh thu 1 tỉ USD mỗi năm. Bà đã tiến gần đến đích cỡ nào? “Tôi đi được quá nửa.”…
Chào mừng đến với Việt Nam hiện đại – hay ít nhất là một mặt của nó – nơi đỉnh cao chói lọi của thành công là bẫy được những vụ độc quyền phân phối Burberry hay chuỗi cửa hàng Dunkin’ Donuts (thành tựu mới nhất của Thủy Tiên)… Chỉ trong vòng có năm năm qua, số lượng các nhà triệu phú đã vọt lên 150%. Không có đột phá về thành phần giới, có lẽ vì những phụ nữ như Thủy Tiên vẫn còn hiếm. Việt Nam vẫn chủ yếu do nam giới thống trị. Trong Bộ Chính trị 14 thành viên của Bộ Chính trị thì cũng chỉ có một nữ, và nhìn tổng thể là thiếu cân bằng trầm trọng. Đầy rẫy những vấn nạn kiểu buôn bán cô dâu hay bị ép làm gái điếm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận được, trong sự phát triển đầy nguy hiểm, phụ nữ luôn đóng một vai trò giấu mặt.
 “Phụ nữ ấy hả? Ồ, họ ngầm điều hành cái xứ này cả đấy,” Yves-Victor Liccioni, người Pháp, cố vấn cấp cao về truyền thông cho một thương hiệu xa xỉ, cư dân lâu năm của thành phố Hồ Chí Minh, nói với tôi một buổi chiều kia, dưới vòm đèn lồng của một quán rượu nhỏ thư thái kiểu Âu của thành phố này. “Họ đầy quyền lực, nhiều năng lượng, và yêu thích kiếm tiền.”
Mất 40 phút mới đến được nhà của Thủy Tiên, ngó ra sông Sài Gòn như đầm lầy. Bà sống ở đây cùng chồng, hai con đang tuổi thiếu niên, và 10 cô giúp việc mặc đồ ngủ. Đó là điển hình của một dinh thự tân cổ điển giàu mới nổi: những cánh cổng khổng lồ với hình trang trí kim loại ánh vàng hoa hoét, những cột Doric trắng ở mặt tiền. Trong sân là bầy tượng sư tử đứng gác, tượng những thiên sứ canh chừng, rồi những ngựa, những rồng hình như lởn vởn ở đó chỉ vì “thích thế”. Có một hồ bơi, một sân quần vợt, và một nhà để xe với ba chiếc Rolls Royce khác nhau, một chiếc Bentley (nữa), và một chiếc SUV. “Ông xã tôi sưu tầm xe hơi,” Thủy Tiên thản nhiên giải thích.
Chúng tôi vào trong nhà. Không có gì đáng ngạc nhiên là Thủy Tiên thích vàng – có người Việt Nam nào mà không thích vàng – nhưng thích ở mức độ như Thủy Tiên thì dường như là bất khả. Bà tự thiết kế lấy nội thất. Mọi thứ vàng đến mức chỉ ra cái gì không vàng khéo còn dễ hơn, như cái cầu thang bằng cẩm thạch trắng khai thác từ thành phố biển Đà Nẵng chẳn hạn. “Cẩm thạch trắng tinh khiết thế này rất hiếm,” Thủy Tiên nổ. “Đích thân chúng tôi khai mỏ đá này.”
Thủy Tiên có chồng là một người Phillippines gốc Việt, một đại gia hàng không mà bà gặp trong thời gian làm tiếp viên. Ông là bộ óc đằng sau sự phát triển quốc tế của hãng hàng không quốc doanh Việt Nam Airlines, và quan hệ của ông với tầng lớp lãnh đạo chắc chắn đã giúp đỡ vợ mình rất nhiều trong sự nghiệp kinh doanh của bà. Dù vậy, Thủy Tiên nhấn mạnh rằng thành công tài chính của mình là do tự mình làm ra. “Tôi tìm hiểu mọi mặt của kinh doanh từ A đến Z để có thể cạnh tranh ở mức cao nhất.”
Thư giãn trên chiếc xô pha mạ vàng, cuối cùng bà cũng cởi mở đôi chút về quá khứ của mình. Sinh tại thủ đô Hà Nội năm 1970. Bố mất khi bà lên năm tuổi, ngay trước khi chiến tranh kết thúc (bà không nói rõ bố bà có phải trong quân đội không, hay gia đình bà thuộc phe nào của cuộc chiến.) “Mẹ một mình nuôi dạy tôi và năm anh chị em tôi. Bà là giáo viên và nghiêm khắc lắm. Bà dạy chúng tồi rằng lao động chăm chỉ là chìa khóa để tồn tại.”
Thủy Tiên nói, đó là một bài học bà không bao giờ quên, và sự thực là ít phụ nữ Việt Nam nào ràng buộc được với đàn ông giàu rồi mà chịu hài lòng làm những cô vợ trang điểm cho chồng. Ngay sau khi cưới, Thủy Tiên chiến ngay và giành được một hợp đồng béo bở để mở siêu thị đầu tiên của Việt Nam vào 1995. “Đây là một dự án liên doanh với quân đội. Tôi ngồi họp với một đám đàn ông mặc quân phục, lúc đó họ không tin là một phụ nữ 25 tuổi có thể lo được 20.000 sản phẩm. Tôi quyết tâm phải chứng minh là họ đã sai.” Và bà đã chứng minh được. Siêu thị ấy, ngay ngày đầu mở cửa đã đông nghẹt người. “Đó là lần đầu tiên, người dân có thể mua sắm mọi thứ trong cùng một nơi.”
Thủy Tiên cho rằng công to lớn của mình là nhờ có tài hiểu được “người tiêu dùng Việt hiện đại muốn gì”. Công ty của bà nay là đại diện độc quyền cho các nhãn hàng xa xỉ như Ferragamo, Ralph Lauren, Rolex và Bulgari. “Doanh thu mỗi năm mỗi tăng,” bà nói một cách sung sướng. Rồi kiểm tra chiếc iPhone lúc nào cũng rung, bà tuyên bố, gần 6 giờ tối rồi, bà cần quay lại văn phòng.
(The Guardian)
CÒN TIẾP