Những hình ảnh về trận
động đất kèm theo cơn sóng thần khủng khiếp tràn vào nước Nhật hôm 11/3 đã làm
bàng hoàng cả thế giới. Thiên nhiên là cội nguồn tạo nên sự sống cho hành tinh
này nhưng sức tàn phá của nó cũng vô cùng to lớn. Phải tới khi
xảy ra thảm cảnh mang tính hủy diệt, các quốc gia trên thế giới mới được tận
mắt chứng kiến người dân Nhật đã hành động ra sao để tồn tại ở một đất nước nằm
trên vành đai lửa của Trái Đất, nơi thường xuyên có nguy cơ xuất hiện thiên tai
với cường độ mạnh nhất. Chẳng ai trên đời này dám coi thường cái chết, song
cách mà người dân Nhật bình tĩnh ứng phó theo bài bản rõ ràng đã được tập luyện
thành thạo khiến chúng ta phải khâm phục. Họ không chạy tứ tán như ong vỡ tổ mà
di chuyển có hàng có lối, họ ẩn nấp dưới các vật che vững chắc, hoặc mở cửa vẫy
khăn chờ ứng cứu. Tính kỷ luật của những người gặp nạn chẳng những tạo thuận
lợi cho quá trình cứu hộ mà còn làm các đội cứu hộ thêm bình tĩnh và sáng suốt
hơn trong lúc đề ra các giải pháp xử lý tình huống. Hẳn nhiên để có được cách
ứng xử khi gặp thiên tai như thế, người Nhật không chỉ phát động phong trào tập
luyện trong một tuần hay một tháng.
Bản năng sinh tồn là thứ vũ khí mà tự nhiên trao cho con người để giúp tồn tại
“một cách tối thiểu” trên Trái Đất. Quá trình tồn tại và phát triển của con
người làm cho bản năng ấy trở nên mạnh mẽ hơn, có chủ ý rõ ràng chứ không tự
phát như thời nguyên thủy. Ở một mức cao, con người hiện đại tổng kết các kinh
nghiệm về bản năng sinh tồn và biến chúng thành kỹ năng sống. Tại các nước phát
triển, những kỹ năng này được dạy cho trẻ em với cách đặt vấn đề rằng muốn làm
được mọi việc từ nhỏ bé tới to tát thì trước hết cần phải học cách tồn tại cái
đã.
Việt Nam là đất nước thường xuyên gánh chịu nhiều loại thiên tai với mức tàn
phá chẳng kém gì các cơn sóng thần, nhất là khi tình trạng rừng đầu nguồn bị
chặt phá vô độ khiến các trận lũ ngày nay xuất hiện với tần suất lớn hơn, trở
nên hung hiểm và dữ dội hơn trước. Việc thiếu kỹ năng sống của người dân khiến
chúng ta chứng kiến không ít những cảnh tượng bi hài từng xảy ra, chẳng hạn như
người dân ào ào lội sông khi lũ đang đổ về để... vớt gỗ. Ngay cả khi chỉ gặp
tai nạn nhỏ, vẫn có người phải trả giá bằng cả tính mạng, như vụ thiệt mạng
thương tâm của hai người sống tại một chung cư ở Hà Nội do ngạt khói, hoặc cách
nay mấy năm là vụ cháy một tòa nhà không cao ở TPHCM. Dịp Đại lễ 1000 năm Thăng
Long vừa qua, có một tấm ảnh chụp theo kiểu góc rộng về quang cảnh buổi chiều
tối hôm khai mạc tại khu vực Mỹ Đình đã gây xôn xao trong dư luận, không phải
do bức ảnh đẹp mà do người ta cảm thấy kinh hãi trước dòng người đông tới hàng vạn
chen chúc nhau trong một không gian hẹp. Kinh hãi là vì lỡ mà xảy ra cháy nổ,
dù nhỏ thôi, cũng chẳng ai có thể thoát thân. Những cảnh chen chúc như thế có
thể thấy nhan nhản ở Việt Nam, đất nước có tới trên 8000 lễ hội trong một năm,
với hạ tầng giao thông nói chung còn chưa phát triển đủ đáp ứng các chuẩn mực
tối thiểu.
Dĩ nhiên, kỹ năng sống không chỉ bó hẹp trong phạm vi đối phó với thiên tai
địch họa. Về bản chất, đó là tập hợp những kinh nghiệm ứng xử của con người với
thiên nhiên và giữa con người với nhau. Dù vậy câu chuyện thời sự nóng hổi về
cách ứng phó của người Nhật trước thiên tai đáng được coi là bài học mẫu mực
cho chúng ta về ý thức trau dồi kỹ năng sống nhằm tiết kiệm của cải và sinh
mạng khi phải đối mặt với thảm họa. Chính điều đó, chứ không phải là những đạo
quân hùng mạnh, mới tạo nên sức sống trường tồn cho mọi quốc gia.
http://www.thethaohcm.com.vn/index.php?do=home&act=all&id=24400&des=0