Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

TỪ A ĐẾN Z



1.
 Anh (chị) MINH BUI QUOC: Con gái tôi định vào học trường Temple University, ngành Kinh tế. Trường Mỹ. Nhưng lại muốn chọn Japan Campus. Tôi không hy vọng trường xịn quá nhưng cũng không muốn gặp trường "lởm". Xem ranking của Mỹ lằng nhằng quá, khó hiểu nên muốn nhờ chị tư vấn giúp: Temple U nằm ở phổ nào và Tokyo Campus của nó nằm ở phổ nào, có cân có lạng gì không hay chỉ lào phào? Mong chị bớt chút thời giờ đánh giá giúp.
Temple University là một trường công ở thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania. Tuy không phải là một trường “lởm” nhưng cũng không thuộc top trường “xịn”, nó xếp thứ 121 trong bảng xếp hạng (đánh giá tổng thể) của Mỹ.
Chi nhánh của Temple Uni. tọa lạc tại quận Minato, Tokyo, Nhật Bản. BẤT CỨ CHI NHÁNH CỦA BẤT CỨ TRƯỜNG NÀO CỦA MỸ, CHẤT LƯỢNG ĐỀU KÉM HƠN TRƯỜNG CHÍNH.
Chi nhánh quốc tế là hình thức mới mở rộng và phát triển trong  thập niên này nhằm mục đích kiếm tiền. Beo chưa biết có  cơ quan tổ chức nào tại Mỹ giám sát chất lượng và hoạt động của các chi nhánh (như đang giám sát các trường chính). Cũng có trường nghiêm túc cẩn thận, cử giảng viên từ Mỹ qua, cũng có trường, chi nhánh chỉ gửi giáo trình cho trường chính duyệt rồi tự dạy. Việc này, anh chị có thể nói cháu tự kiểm tra danh sách giảng viên của chi nhánh tại Nhật.
Nếu kinh tế gia đình anh chị  ở mức trung bình, thì nên cho cháu học tại Mỹ. Không chỉ vì chất lượng bảo đảm mà cả  vì chi phí sinh hoạt rẻ hơn rất nhiều tại Tokyo.
Nếu anh chị định hướng cho cháu sau khi ra trường làm việc tại khu vực châu Á, thì nên học tại Nhật. Vì tại các trường đại học Mỹ, hệ thống hỗ trợ việc làm sau khi ra trường cung cấp  rất kĩ thông tin về nhu cầu nhân công các khu vực, ngành nghề...của xã hội trong vòng 3 năm, 5 năm hay 10 năm, ngay lúc các cháu chọn nghành nghề nhập học.
Giá trị bằng cấp thì trường chính hay chi nhánh là ngang nhau.
2.
Em tên là Phương Dung, đang ở Sài gòn
Trước tiên em rất cảm ơn chị đả add friend với em , em biết đến chị từ những hình ảnh chị xuống đường vụ HD 981 . Sau đó em follow chị vì chị viết rất hay và chính xác về nhiều vấn đề ạ.
Hôm nay em mạn phép gởi "tâm thư" này cho chị , em xin lỗi vì làm phiền chị , nhưng em đang có vấn đề suy nghĩ nhiều ... và e nghĩ đến việc tham khảo ý kiến của chị. Mong chị đừng phiền và khi nào chị rãnh có thời gian chị tư vấn giúp em nha. Em xin cảm ơn chị nhiều ạ.
Thưa chị
Em có 2 con trai, cháu lớn hiện đang là sv năm 5 trường Y. Còn cháu thứ 2 năm nay học lớp 12 . Cháu đang khao khát đi du học và muốn sống ở Mỹ chị ạ (em có cô em gái đang sống ở Mỹ) . Cháu học khá, học chuyên Hóa trường Gia Định , học tiếng Anh cũng tạm được (đang học TOEFL trình độ 80- nhưng chưa thi lấy bằng) .
Thực ra, vợ chồng em thì em là CNV, chồng em là giáo viên day Tin hoc trường đai học; Cuộc sống gia đình em cũng tạm ổn (vì lúc thị trường CK có sóng em may măn cũng được Ơn trên, Ông bà độ cho em một ít vốn, nên em có mua thêm được nhà cho thuê chị ạ). Trước đây vợ chồng em chỉ muốn cho con nếu học tốt thì tìm cơ hội du học sau đại học thôi, chứ ko muốn cho con sống tại Mỹ (nên em từ bỏ cơ hội cho con em đi sang học từ nhỏ theo diện con nuôi do em gái em bảo lãnh ).
Nhưng hiện nay , em thấy tình hình VN mình có nhiều vấn đề đáng lo lắng quá : sợ mưu đồ xâm lược lâu dài của TQ, tình hình an ninh xã hội, an sinh xã hội, giáo dục đi xuống.... em PHÂN VÂN SUY NGHĨ lăm chị a. Chồng em thì chỉ muốn cho đi sau khi học đai học ở VN, con em thì khao khát muốn đi và sinh sống ở Mỹ.
Chị ơi, chị đang sinh sống ở Mỹ , chị có thể giúp em những lời khuyên nha chị.
Em XIN CẢM ƠN CHỊ RẤT NHIỀU.
Phương Dung thân quý!
Beo đọc thư bạn đến dăm lần và thực tình, lần nào tinh thần cũng chùng xuống, vì...buồn.
Beo trả lời bạn rất lý tính, theo kinh nghiệm của chính Beo và các con mình. Bạn có thể tham khảo xem có tận dụng được gì từ kinh nghiệm này không nhé.
* Du học Mỹ không phải là tiếp thu kiến thức, mà là cơ hội phát triển tương lai. Tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển khác đều có thể cung cấp kiến thức cho con bạn tốt y như giáo dục Mỹ, tuy nhiên cơ hội phát triển tương lai khi con bạn cầm tấm bằng đại học Mỹ, là cao nhất thế giới.
Có một sự thật, nếu Beo trả lời bạn chắc chắn sẽ bị không ít phản ứng, đó là: chất lượng giáo dục đại học của Việt nam không kém đâu. Cái kém chính ở chỗ, không tạo ra được bất cứ cơ hội nào từ tấm bằng đã cấp phát ra.
* Du học và sinh sống là hai việc vô cùng khác nhau. Việc ở lại Mỹ sau khi học xong, vợ chồng Dung nên để con mình tự quyết định và nên tôn trọng quyết định của nó.
* Du học càng trễ, việc hấp thu kiến thức, việc hòa nhập cộng đồng... sẽ càng khó khăn hơn. Thời điểm tốt nhất là hết lớp 11 hay 12 tại Việt nam. Thời điểm này, các cháu người Việt  dễ khắc phục nhất điểm yếu so với học sinh Mỹ hay du sinh Hàn, Nhật, Trung: sự năng động trong tư duy và dạn dĩ trong giao tiếp.
Du sinh Việt nam được các thầy Mỹ mà Beo biết đánh giá rất tốt. Các cháu học rất giỏi (nhất là các môn tự nhiên-ngược hẳn học sinh Mỹ giỏi các môn xã hội hơn).
* Tốt nhất không nên bắt các cháu ở chung với gia đình. Hãy thả con vào xã hội Mỹ, cho chúng học thêm được những gì văn minh bên ngoài Việt.
Sự an toàn ở xã hội Mỹ là rất cao. Trẻ hư được khó hơn  xã hội mình rất nhiều.Và, đừng tin vào những bài báo đã và đang loan tải những thông tin vô trách nhiệm về du sinh Mỹ. Chúng nó ngoan lắm, Dung ạ.
Cảm ơn Dung đã tin tưởng Beo nhiều thế.