Thứ Tư, 12 tháng 5, 2010

Cụ Giáp

Nóng, vãi linh hồn.


Chạy xe máy, rát hai cánh tay như bỏng lửa.


Bịt kín châu thân bằng các loại khăn áo mũ mãng mẹ mua, phóng vèo quá tòa án rồi mới nhớ vụ  phúc thẩm Lê Công Định. Chống một chân vỉa hè, nghĩ nửa phút. Chắc chắn chả có gì mới, bên bị tôi trung thành với chế độ không hề đòi đa đảng, bên nguyên anh chưa đòi chứ không phải không đòi. Dở hơi ăn cám lợn, vọt thẳng. Đến cơ quan, đầu ướt mồ hôi như mới gội.


Đã lên lịch ngồi ở tòa nguyên ngày, thế là rảnh rang lôi cuốn sách đang biên tập ra làm.  Bốn tập gần nghìn trang cả thảy, trên cả hay, chưa biết có  in được hay không. Kinh nghiệm riêng cho thấy,  sẽ là chấn động lớn nhất về xuất bản trong vòng 20 năm trở lại đây. Dĩ nhiên  hữu xạ tự nhiên hương kiểu Nỗi buồn chiến tranh chứ không phải khuyếch tán giàu tính phong trào như Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Nói biên tập cho sang vì hầu như rất khó có thể nhúng bút vào đâu, gợi ý đặt tên Đối thoại chính trị, các tác giả chưa đồng ý.  


***


Mò sang blog Trương Duy Nhất, thấy bài cảm nghĩ của bạn ấy về Cụ Giáp, mình nghĩ giống thế dễ sợ.


Cụ nằm (nghĩa đen) từ Tết giờ ở 108, đang cố giữ cụ sống qua lễ Nghìn năm Thăng Long. Định thứ bảy này nhờ bác bộ đội dẫn vào thăm cụ, chẳng phải tò mò theo bản năng, mình ngưỡng mộ cụ thật lòng, thế nên sẽ không viết một chữ nào  nữa những gì mình sẽ trực diện.


Lao xao quanh ý kiến của hai vị tướng khác về chuyện có quốc tang cụ hay không và số phận căn nhà 30 Hoàng Diệu cụ đang ở. Theo quy định hiện hành, quốc tang chỉ dành cho các bậc nguyên thủ. Chức vụ cao nhất bên chính quyền của cụ  mới là Phó Thủ Tướng, cho nên chắc chắn sẽ là một tang lễ đặc biệt, các nghi thức nằm giữa quốc tang và lễ tang cấp nhà nước. Tang lễ đặc biệt này có lẽ sẽ áp dụng cho một vài bậc khai quốc công thần nữa hiện còn sống. Đây là cách ứng xử mình cho rằng thấu tình lại đạt lý. Mà suy cho cùng, người chết là hết, tang lễ kiểu gì cũng chỉ để người sống tự sướng với nhau, mà thôi.


Còn tang lễ của lòng dân, lớn hay nhỏ, theo mình nghĩ, hiện nay phụ thuộc ít nhiều vào độ nóng của …báo chí.


Đường Hoàng Diệu và một vài con phố tuyệt đẹp loanh quanh đó có những căn biệt thự Pháp, giống căn cụ đang ở, dùng làm nhà công vụ cho các bậc từ bộ trưởng trở lên trong nhiệm kỳ khi ra HN, còn thấp hơn thì ở Quảng Bá. Các cụ Trường Chinh, Lê Duẩn…khi quy tiên thì con cháu đều dọn ra khỏi các căn biệt thự đó. Trong số các bậc lão thành, người nổi tiếng thanh liêm, cho tới tận giờ, là cụ Lê Đức Anh. Mà thực ra cũng chưa nghe thấy, hoặc giả có mà mình không biết, chuyện tham lam kiếm chác gì từ những người ra khỏi những ngôi nhà này. Việc gợi ý để căn nhà 30 Hoàng Diệu làm nhà lưu niệm  là bất khả thi vì nhiều lẽ mà lẽ lớn nhất, xưa nay mới chỉ cụ Hồ được hưởng tối huệ quốc đó. (Trừ các danh nhân văn hóa không tính). Sau nữa, quân đội đang có  nhiều bảo tàng, quá nhiều là đằng khác. Và cuối cùng, sẽ có hàng loạt nhà lưu niệm ra đời, hẳn sẽ  kéo theo không ít hệ lụy khi mà, giới sử học chưa xuất hiện những sử gia đáng kính trọng.


 


Nóng quá không muốn viết nữa