Chuyến lưu diễn ghé tới Việt Nam
những ngày cuối tháng 3/2011 của nhóm nhạc Backstreet Boys đã hâm nóng thời sự
âm nhạc nước nhà, vốn buồn tẻ và nghèo nàn năm này qua tháng khác bởi vô số
chương trình ca nhạc ít hình hài, thiếu sáng tạo, phần lớn dành cho tầng lớp
bình dân thủng phông văn hóa, hoặc đôi khi giả tạo và sống sít thông qua vài
chương trình có kịch bản mua lại từ nước ngoài. Trước Backstreet Boys, những
người yêu thích ca nhạc nước ngoài (chủ yếu là thể loại pop, soft rock) cũng đã
từng có dịp được chứng kiến một số ban nhạc/ca sỹ khác biểu diễn tại Việt Nam,
như Michael Learns to Rock – nhóm nhạc châu Âu nhưng được biết tới nhiều ở vài
nước châu Á, hoặc Air Supply – ban nhạc chịu khó đến Việt Nam tới 2 lần. Các
ban nhạc ấy, kể cả Backstreet Boys, đến Việt Nam khi những ánh hào quang đã tắt
sau lưng họ. Dẫu ngón nghề và kỹ nghệ biểu diễn của họ vẫn tạm đủ hấp lực khiến
người hâm mộ ở các quốc gia đang phát triển phải thán phục thì cũng không thể
phủ nhận rằng, một khi thời đỉnh cao đã đi qua, độ sung sức và lửa đam mê sáng
tạo chỉ còn le lói, thứ sản phẩm mà họ mang tới trình diễn ở những nước như
Việt Nam chẳng phải hàng chất lượng mới.
Ít người biết rằng ở thời kỳ rực rỡ của mình, Phil Collins và Bryan Adams đã
từng tới Việt Nam và biểu diễn một tối theo kiểu “không chính thức” – gọi là
nhân tiện ghé chơi theo lời mời cá nhân và cao ứng chấp nhận hát (có bán vé)
trước một lượng khán giả ít ỏi (thời ấy, những năm đầu thập kỷ 90, hầu hết là
khách nước ngoài đang du lịch hoặc làm việc tại Việt Nam) như trường hợp của
Phil Collins, hoặc nằm trong chương trình lưu diễn nhưng Việt Nam không phải là
điểm đến quan trọng, như trường hợp của Bryan Adams. Nếu nhìn dưới góc độ về
giá trị thì các buổi diễn không chính thức của Phil Collins và Bryan Adams sẽ
được đánh giá cao hơn nhiều so với tour diễn đình đám của vài nhóm nhạc đã kể
trên, bởi người hâm mộ sẽ vô cùng thất vọng khi thấy các chàng trai Backstreet
Boys hào hoa năm xưa nay quay mòng mòng như những con lật đật trên sân khấu,
còn Graham Russell của Air Suply thậm chí lạc giọng và đành nhanh trí “xuống
sề” khi bắt vào đoạn cao trào của ca khúc “hit” Making love out or nothing
at all. Người hâm mộ âm nhạc trên khắp thế giới luôn giống nhau. Dù thần
tượng đã đi xuống về phong độ thì con tim vẫn mách bảo rằng họ luôn yêu quý và
trân trọng những gì thần tượng từng một thời đem lại niềm vui cho đời sống tinh
thần của họ. Thế nhưng nói rằng họ không thấy buồn hay thất vọng thì là nói
dối.
Đánh giá một cách công bằng thì ngoài vấn đề dân trí, việc các nhóm nhạc nổi tiếng
thế giới khi đang ở thời hoàng kim không có ý định tới những nước đang phát
triển như Việt Nam
còn liên quan tới hàng loạt rắc rối khác, trong đó có khía cạnh tiền bạc. Một vài
đánh giá của phóng viên văn hóa trên báo Việt Nam cho biết người Việt khá “chịu chơi”,
sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng để mua vé xem một show ca nhạc “hoành tráng”. Đánh
giá này e rằng cảm tính, bởi những show ca nhạc, chẳng hạn của Michael Jackson
hay Madona tại sân vận động thường có giá vé trung bình trên dưới 100 USD, và
chẳng có gì đảm bảo sẽ lấp đầy khán giả Việt trên sân ở những show như thế. Rào
cản về phong cách văn hóa, chẳng hạn như thuần phong mỹ tục cũng là trở ngại
khó thể vượt qua. Những rắc rối ấy chỉ dễ giải quyết, một khi ban nhạc/ca sỹ đã
hết thời và chấp nhận hạ giá trị của họ trên bàn thương thảo.
Sức mạnh của quá trình toàn cầu hóa cùng sự hỗ trợ đắc dụng của truyền thông hiện
đại đã khiến các nền văn hóa xích lại gần nhau trong thời gian ngắn hơn mong
đợi. Sự tự tin về độ nổi tiếng của các ban nhạc/ ca sỹ đã qua thời hoàng kim và
việc thiếu thông tin về các quốc gia đang phát triển rất có thể sẽ khiến họ lầm
tưởng rằng, người hâm mộ ca nhạc ở những quốc gia ấy không phân biệt được, hoặc
dễ chấp nhận các sản phẩm hạng hai. Nếu điều ấy xảy ra, nỗi buồn sẽ lớn hơn.
Chẳng ai muốn hưởng thụ những sản phẩm thải loại, kém chất lượng, nhất là khi
của thừa ấy lại thuộc lĩnh vực văn hóa tinh thần. Việc sử dụng thiếu chọn lọc
các của thừa văn hóa khiến quốc gia tồn đọng một bãi rác khổng lồ không thể
xuất khẩu. Rác ở khắp nơi, từ những cậu trai tóc lởm chởm mặc chiếc
quần-nửa-váy, miệng nghêu ngao vài câu nhạc chế mà họ tưởng là nhạc rap tới
những show ca nhạc hoành tráng của các ngôi sao hát-không-rõ lời và ấn tượng
nhất mà họ để lại là câu cửa miệng : “Oh yeah, tôi iu các bợn” thay vì
truyền tới mọi người niềm cảm hứng trong suốt và đam mê của âm nhạc. Tất nhiên,
ca sỹ của “thời đại của thừa” sẽ có lớp khán giả riêng thuộc về thời đại ấy.
Khi coi thường các sản phẩm hảo hạng như âm nhạc dân tộc và âm nhạc thính phòng
nhưng lại ngốn ngấu tận hưởng trong niềm hân hoan những đồ thừa xuống cấp ngoại
nhập, có lẽ nền âm nhạc chẳng đến nỗi diệt vong. Thế nhưng đó là một nền âm nhạc
đầy dị tật, mong manh đến thảm hại và luôn có nguy cơ trở thành nô lệ một cách
tự nguyện để mưu cầu chút vinh hoa chắt ra từ rác rưởi. Đó là nỗi buồn đáng kể
nhất cho nền âm nhạc Việt Nam ,
kể từ ngày rụt rè mở cửa.
Cóp từ
diendanvanhoathethao.net