Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

THƯ TÌNH AI BÁN AI MUA

Ngoài tài năng âm nhạc (và dăm thứ khác), Trịnh Công Sơn cũng
chỉ là một con người bình thường với đầy đủ các cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố.
Khác chăng, sự thể hiện hỉ nộ ái ố của ông thường “thơ” hơn những kẻ bình
thường. Phàm con người ta ai muốn những điều riêng tư của mình (mà thư
tình là một là ví dụ) bị mang ra bày bán?


Không chỉ  Việt Nam , thư tình ở bất kỳ nơi nào trên
thế giới này đều không phải là thứ nên bày ra. Gần đây nhất, việc một Ánh nào
đó trong quá khứ của Trịnh Công Sơn công bố những bức thư tình mà ông viết cho bà
làm dấy lên những làn sóng hoài nghi. Nhất là những lá thư tình dành riêng cho
một người được in để bán cho tất cả, với cái giá trên trời: 600.000/cuốn. Ấy là
NXB Trẻ đã “chia sẻ” cho sự khó khăn cho độc giả thời bão giá mà giảm đi bởi
nghe đâu, cái giá ban đầu lên đến 750.000/cuốn - cái giá mà ngay cả dân văn
chương chuyên nghiệp cũng phải sốt lên vì ghen tỵ bởi chỉ khi say khướt, họ mới
dám đẩy sách của mình lên mức giá “giời ơi” ấy!


Có thể, sẽ có không ít những người vốn dễ dãi, những người
hâm mộ  và những kẻ tò mò, bên cạnh đó lại
có những kẻ tằn tiện giải thích: chẳng có lý do gì để bỏ ra ngần ấy tiền để đi
đọc thư tình của người khác.


Phàm trong chúng ta ai cũng có rất nhiều bí mật. Bí mật có
thể tốt hoặc xấu nhưng chắc chắn chẳng ai muốn một ngày nào đó bí mật của mình
bị phơi ra. Không nên nghĩ đó là sự “xấu xa đậy lại” mà đơn giản nó chỉ là
góc khuất, là những điều riêng biệt trong đời sống cá nhân. Cũng như,  khi đi ngủ vợ chồng phải đậy lại cửa còn ra
đường, người ta không thể không mặc áo quần. Cái sự bí mật của thể xác còn thế
nữa là với tinh thần, có những điều sống để dạ, chết mang theo.


Thư tình có khác một chút, nhất là với một nghệ sĩ nức tiếng
tài hoa như Trịnh Công Sơn. Thư tình của Trịnh Công Sơn có khi là một bài thơ
được đăng trang trọng trên báo, cũng có khi được ngụ ý trong một tác phẩm hội họa,
nhiều khi nó trở thành bản nhạc để người đời cất lên nhưng, chỉ  những gì Trịnh
Công Sơn chủ động công bố thì đó mới là tác phẩm dành cho đại chúng. Thư tình gửi
riêng cho một người xét cho cùng đó không phải tác phẩm văn học nghệ thuật, lại
càng không thể thuộc về đại chúng. Nếu có, chỉ là sự tưởng tượng của những người
công bố hoặc phải vay mượn các giá trị khác để khỏa lấp cho dụng ý của mình.
Kiểu như thư tình của Trịnh có tính văn học, giàu tính thơ đại khái thế! Nghe
qua thì thấy có vẻ như hợp lý nhưng ngẫm lại rất không ổn. Chẳng ai viết thư cho
người tình để kỳ vọng một ngày đẹp giời nào đó. nó hóa thân thành tác phẩm văn
học. Những lá thư mà Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh thuần túy như những bức thư các đôi lứa vẫn  hay gửi cho nhau hằng bao đời nay. Là những lời
lẽ hờn ghen, giận dỗi vu vơ, là những dặn dò vặt vãnh kiểu ngủ sớm, mặc áo ấm,
nhớ đắp chăn…của những người yêu nhau muốn chăm sóc cho nhau, chứ có gì hơn thế?
Hẳn nhiên, một Ánh nào đó cùng gia đình Trịnh có quyền công khai bày bán những
bức thư tình riêng tư bằng những cái cớ sang trọng nào đấy và độc giả, cũng có
quyền nghi ngờ về tính thực hư trong những cái cớ ấy.


Hẳn những người sành đọc sẽ chẳng ai lại đi tìm những giá trị
văn học trong những bức thư tình. Còn đối với những người yêu văn hóa và trân
trọng tài năng của Trịnh Công Sơn thực sự thì trong những ngày này, có nhẽ họ
đang cầu giời đừng có thêm những chuyện như, bóng hồng nào đó đi rao bán cái giường
mà Trịnh đã tặng cho.


Hoàng Thái (đăng trên Thể thao- có cắt gọt)