Ở Mỹ đã có
nhiều vụ kiện mạ lỵ nhưng ra vẻ vụ bà Triều Giang kiện ông Đỗ Văn Phúc là vụ
lớn nhất vì số tiền tòa phạt cũng như vì sự nổi tiếng của hai nhân vật trong
cộng đồng Việt Nam ở Mỹ. Để rộng đường dư luận và “rút kinh nghiệm” mời bạn đọc
theo dõi bài phóng sự sau đây của ký giả Phong Trần.
Austin, TX — Nữ chánh án Gisela D. Triana thuộc
quận hạt Travis, Texas đã đọc bản án của 12 bồi thẩm đoàn vào lúc 3 giờ 45 phút
chiều ngày thứ Năm 27 tháng 10 vừa qua tuyên án bị cáo Michael Do, còn được gọi
là Đỗ văn Phúc, đã phạm tội vu khống, mạ lị, và phỉ báng gia trọng, đã làm
thiệt hại đến danh dự, tinh thần và vật chất của nguyên đơn Nancy Bùi, tức ký giả
Triều Giang. Bản án cũng đã phạt ông Đỗ văn Phúc phải bồi
thường cho bà Nancy Bùi một số tiền là 1 triệu 9 trăm ngàn đô la.
Tranh cãi
Được biết, vụ án đã gây khá nhiều chú ý của cộng
đồng người Việt tại Hoa kỳ và khắp nơi trên thế giới từ gần ba năm qua, đã có
năm phiên toà trước đây nhưng bị đình theo yêu cầu của bị cáo, và được tái xét
xử vào ngày thứ Hai, 24 tháng 10, 2011. Phiên toà đã qua bốn ngày xét xử với
hàng nhiều trăm trang tài liệu.
Phía bị cáo, ông Michael Do, đã đưa ra luận cứ
rằng bà Nancy Bùi là người của công chúng và ông có quyền phê phán (criticize).
Những bài viết đăng trên trang mạng www.michaelpdo.com,
điện thư, hoặc trong sách “Nanh Hùm Nọc Rắn” của ông nói về nguyên đơn chỉ là
việc ông hành xử quyền tự do ngôn luận (freedom of speech).
Phía nguyên đơn phản bác rằng dù có là người của
công chúng thì những phê bình phải đúng sự thật và những cáo buộc phải có bằng
chứng, nếu không sẽ là vu khống mạ lỵ và phỉ báng với ác ý.
Trong hai ngày đưa chứng cớ, bị cáo Đỗ Phúc đã
không có một bằng cớ hay nhân chứng nào để chứng minh được những tố cáo của ông
rằng bà Nancy Bùi khi làm việc cho công ty Pacifica bà đã khai gian bằng cấp để
được mướn vào làm, bà bị đuổi việc vì thâm lạm công quỹ, bà là Việt Gian từng
buông lời miệt thị một số đảng phái quốc gia và các cựu quân nhân VNCH.
Cũng theo cáo buộc của bị cáo, bà từng kiện hai cô
em gái và người làm ra toà. Ngoài ra, những bài viết được đăng trên trang mạng
của ông Đỗ Phúc và một số điện thư cũng như những bài viết của ông đăng trên
Tinparis.net, Vietland, và một số trang mạng khác, còn ám chỉ bà là Cộng
sản, Cộng sản nằm vùng, thân Cộng qua những lời tố cáo, như việc nguyên đơn
Nancy Bùi đã cùng với Bộ trưởng Ngoại Giao Texas đưa phái đoàn doanh nhân Texas
về Việt Nam để ký kết làm ăn với Việt Cộng làm trễ nải việc tranh đấu công nhận
cờ vàng của các cộng đồng người Việt tại Texas.
Bị cáo còn tố cáo nguyên đơn đón Nguyễn Tấn Dũng
tại Austin năm 2004, và tại Dallas năm 2007. Thêm vào, phái đoàn của
nguyên đơn và hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (Vietnamese American
Heritage Foundation – VAHF) đến Vietnam Center năm 2007 bao gồm nhà văn cộng
sản Bảo Ninh.
Bị cáo Đỗ Phúc còn tố cáo, sau khi lập hội VAHF,
bà Nancy Bùi vẫn đi về Việt Nam
tiếp tục buôn bán với Việt Cộng một cách an toàn. Theo bị cáo, bà còn có cơ sở
chế biến thực phẩm to lớn tại Gò Vấp, Việt Nam ,
và là chủ nhân của hai công ty xuất nhập cảng cà phê A&B và Bam Bo O Café tại
Việt Nam .
Bị cáo cũng còn cáo buộc là khi làm việc với công ty Pacifica đã tặng chính phủ Việt Cộng nhiều
trăm ngàn đô la.
Trong phần phản bác, luật sư của nguyên đơn Nancy
Bùi đã đưa ra chín nhân chứng và hàng trăm trang tài liệu để chứng minh tất cả
những lời tố cáo trên là không đúng sự thật và không có bằng cớ.
Hai nhân chứng quan trọng là
cựu tổng giám đốc công ty Pacifica, ông Michael Shapiro, nguyên cấp trên của
nguyên đơn, đã ra làm chứng rằng nguyên đơn đã tự nghỉ việc, công ty Pacifica
đã không đuổi bà. Nguyên đơn đến Việt Nam là do Pacifia đưa về để đại
diện cho công ty. Nguyên đơn không hề cho chính phủ Việt Nam nhiều trăm ngàn đô la dù với tính cách cá
nhân hay đại diện Pacifica .
Kế đó, cựu bộ trưởng ngoại giao Texas (Secretary
of State, Texas), ông Geoff Conor, đã làm chứng trước toà rằng nguyên đơn không
hề tham gia việc đón tiếp các phái đoàn Việt Cộng đến Texas, không tham gia
phái đoàn doanh nhân về Việt Nam năm 2004, và không có vấn đề vì sự có mặt của
phái đoàn mà việc công nhận cờ vàng bị chậm trễ vì phái đoàn đến Việt Nam vào
tháng 8 năm 2004, việc tranh đấu cho cờ vàng mãi đến tháng 11, 2004 mới xảy ra.
Bản án làm gương (examplary damages)
Bồi thẩm đoàn sau gần 4 tiếng đồng hồ bàn
thảo và bỏ phiếu đa số tuyệt đối, với không một phiều chống, tuyên án bị cáo Đỗ
Phúc phải bồi thường 900,000 đô la cho những sự thiệt hại về danh dự, tinh thần
và vật chất cho nguyên đơn Nancy Bùi. Ngoài ra, vì tính cách gia trọng của sự
vi phạm nên toà đã phạt bị cáo thêm 1,000,000 đô la để răn đe và làm gương
(examplary damages).
Để chứng minh sự vi phạm có tính cách gia trọng, nguyên đơn phải chứng minh
được rằng bị cáo coi thường luật pháp, biết rằng những điều tố cáo là không
đúng sự thật nhưng vẫn cứ vi phạm với ác ý.
Luật sư Brian Turner của nguyên đơn đã hỏi bị cáo
trước toà rằng ông có nghĩ rằng bà Nancy Bùi là cộng sản, tay sai cộng
sản, hay thân cộng hay không? Ông Đỗ Phúc đã trả lời là “không”. Điều này chứng
minh rằng Ông Đỗ Phúc biết bà Nancy Bùi không phải là cộng sản, tay sai cộng
sản hay thân cộng nhưng ông vẫn tố cáo và tiếp tục tố cáo.
Điều thứ hai là sau khi có vụ kiện, khi bị cáo còn
có luật sư, ông Tonny Ciccon, người đã thẩm vấn nguyên đơn, bà đã cho biết bà
không hề có cơ sở kinh doanh hoặc làm chủ công ty nào tại Việt Nam, mà chỉ mua
cà phê và bán lại tại Hoa kỳ. Lần cuối bà về Việt nam là tháng 3 năm 2003. Mãi gần
hai năm sau, cuối năm 2004, bà và một số thân hữu mới thành lập hội VAHF.
Bà đã cho bị cáo xem sổ thông hành (passport) của
bà, bị cáo biết rõ bà Nancy Bùi không về Việt Nam từ tháng 3 năm 2003, nhưng
tiếp tục tố cáo nguyên đơn rằng sau khi lập hội VAHF năm 2004, bà vẫn về bắt
tay với Việt cộng buôn bán một cách an toàn. Hơn thế nữa, bị cáo cũng đã khai trong
phần khẩu cung là bị cáo sẽ tiếp tục để những bài tố cáo không bằng chứng này
trên trang mạng của bị cáo. Bồi thẩm đoàn đã chấp nhận những chứng cớ nêu trên
và kết luận sự vi phạm có tính cách ác ý và coi thường luật pháp.
Trong phần kết luận, bị cáo Đỗ Phúc đã bào chữa
rằng vì ông không có luật sư nên bị yếu thế trước toà. Ông xin lỗi toà và bồi
thẩm đoàn vì trong bốn ngày xử, ông đã có lúc không giữ được bình tĩnh nên đã
có thái độ khiếm nhã trước toà và chánh án. Ông tin tưởng rằng ông đã không làm
điều gì sai mà chỉ hành xử quyền tự do của mình.
Luật sư nguyên đơn, Ông Brian Turner đã phản bác
lại rằng dù bị cáo có luật sư, luật sư của ông Đỗ Phúc cũng không thể viết lại
luật và viết lại những bằng chứng mà bị cáo Đỗ Phúc đã viết để nhục mạ nguyên
đơn.
Luật Sư Brian Turner kết luận:
“Tôi hy vọng rằng sự thật sẽ được sáng tỏ truớc
toà để những người muốn khống chế người khác bằng cách vu khống nạn nhân trên
Internet, hoặc những phương tiện truyền thông khác sẽ bị trừng phạt. Có như thế,
những nạn nhân của những sự vu khống, mạ lị như trường hợp của bà Nancy Bùi là
nạn nhân của ông Michael Do, không phải sống trong tủi nhục, và đau khổ vì sự
hàm oan.
Tất cả chúng ta đều hy vọng rằng điều vô lý này sẽ
không tiếp tục xảy ra, để những người muốn làm việc thiện nguyện, phục vụ
cho cộng đồng không phải chịu đựng những đau đớn vì những kẻ dám coi thường
luật pháp làm để hại họ mà họ không có tiền để đưa kẻ vu khống ra toà hay họ
không biết dùng computer hay Internet để lên tiếng cho họ.”
Sau khi đọc bản án của bồi thẩm
đoàn, Chánh án Triana đã gọi bị cáo lên, và với giọng xúc động, bà cho biết bà
theo cha mẹ di dân từ Cuba đến Hoa kỳ từ năm bà 3 tuổi nên bà hiểu rất rõ những
gì đang xảy ra trong cộng đồng người Mỹ gốc Cuba cũng như người Mỹ gốc Việt.
”Quý vị đã mất quê hương, đến đây tị nạn, tại sao
quý vị không xây dựng lại cuộc đời một cách an bình? Tại sao quý vị đối xử với
nhau đau xót như thế này?” Chánh án Triana đã nghẹn lời khi nói với bị cáo, và
tiếp: “Tôi hy vọng sau ngày hôm nay ông hãy suy nghĩ lại để sống tốt hơn.””
(Nguyên
văn: You have lost your country, you come here with opportunity to rebuild your
life better in peace. Why do you treat each other like this? I hope after
today, you will rethinking and live better.)
Bị cáo trả lời: “Tôi có con đường của tôi. Tôi sẽ chống án.””
“Chúc ông nhiều may mắn” Chánh án Triana đáp lời.
Một số điểm cần lưu ý trong các vụ án vu
khống, mạ lị, phỉ báng tại Texas
Một số chi tiết quan trọng qua vụ
án này xin được ghi lại để bạn đọc lưu ý:
* Chánh án Gisela Triana trước khi xử án đã đọc từ
bộ luật dân sự Texas
định nghĩa thế nào là mạ lị và phỉ báng. Rằng một người nói, viết, xuất bản,
tái xuất bản, hoặc ám chỉ những điều làm hại danh dự, tinh thần và vật chất một
người khác sẽ bị xử phạt bồi thường cho những thiệt hại đó.
Như thế, lý luận rằng “không gọi một người là Cộng sản mà chỉ viết những điều
về người đó để người đọc tự kết luận thì không sợ bị kết tội trước toà” (Đỗ
Phúc) không còn đứng vững nữa, vì luật Texas công nhận việc ám chỉ cũng là vi phạm.
* Gọi người khác là ”Việt gian” là mạ lị. Bị cáo
Đỗ Phúc đã dịch “Việt gian” là người “Việt xấu” để bào chữa, nhưng phía nguyên
đơn đưa ra hai tự điển Việt Anh và người thông dịch có giấy hành nghề đã dịch
tại chỗ: “Việt gian” là kẻ phản bội (traitor). Luật Mỹ gọi người khác là “traitor”
mà không có bằng chứng là mạ lị.
* Người chuyển (forward), đăng lại (republish)
những điện thư, bài viết có nội dung vu khống, mạ lị, và phỉ báng cũng phải
chịu trách nhiệm giống như tác giả. Bị cáo Đỗ Phúc đã cho đăng điện thư, những
bài viết của một số người theo ông ta mạ lị, phỉ báng bằng những lời lẽ thô
tục, kết án nguyên đơn là Cộng sản nằm vùng trên trang mạng www.michaelpdo.com
và bào chữa trước toà rằng, những bài viết này không phải của ông ta. Chánh án
đã đọc luật Texas
quy định người phổ biến cũng phải chịu trách nhiệm giống như tác giả.
* Báo chí, tài liệu in từ các trang mạng, thư từ
của người thứ ba, không phải là của nguyên đơn hay của bị cáo, cũng không được
coi là chứng từ trước toà vì không thể kiểm chứng được sự trung thực của những
tài liệu này. Do đấy, khi bị cáo Đỗ Phúc in tài liệu từ một số trang mạng, cắt một
vài bài báo để đưa ra toà làm chứng đã bị khước từ. Như việc để chứng minh ông
là người có nhiều uy tín trong cộng đồng, ông đã đưa ra hai lá thư ủy nhiệm ông
đại diện cộng đồng Austin và San Antonio đi tham dự cái gọi là Đại hội Cộng
Đồng Người Việt tại Hoa Kỳ đề ngày 30 tháng 9 năm 2011, ký bởi ”Quyền Chủ Tịch
Cộng Đồng Austin””Châu Kim Khánh và Chủ tịch Cộng Đồng San Antonio Phan Quang
Trọng, những thư này đã bị toà khước từ không nhận.
*Để chứng minh rằng cộng đồng người Mỹ gốc Việt có
luật bắt buộc những người Mỹ gốc Việt làm chủ tịch cộng đồng hoặc các hội đoàn
khác phải là người không về Việt Nam hoặc ít nhất không được làm ăn với Việt
Nam, bị cáo đỗ Phúc đã trình toà copy by law của tổ chức Cộng đồng Người Việt Tại
Hoa Kỳ làm bằng chứng, cũng đã bị khước từ. Bị cáo Đỗ Phúc đã lý luận rằng đây
là một tổ chức bao trùm (umbrella) cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà mọi người
phải theo.
Chánh án Triana hỏi ngược lại: “Ông đang nói
với tôi rằng ở ngoài kia đang có những người viết luật bắt tất cả người Mỹ gốc
Việt phải theo?”
”(Nguyên văn: Are you telling me out there,
there are some people writing law to apply to all Vietnamese American?).
Bị cáo Đỗ Phúc trả lời: “Là by law chứ không phải
law.” Chánh án Triana tiếp lời: “Nếu chỉ là by law thì nó chỉ có thể ảnh hưởng
đến hội viên của tổ chức đó mà thôi. Bà Nancy Bùi có là hội viên của tổ chức
này không?” Bị cáo đáp lời: “Thưa không.” Chánh án Triana bèn nói: “Như vậy
không có gì để nói về cái by law này nữa.””
* Băng thu âm hoặc thu hình người thứ ba có được
dùng làm bằng chứng trước toà? Thưa không. Ông Đỗ Phúc đã đưa một cuốn băng
ngay trong phiên toà nói rằng trong đó có thu âm một người đã nói nguyên đơn
Nancy Bùi đã kiện hai cô em. Cuộn băng này chưa hề được đưa ra cho bên nguyên đơn
để kiểm tra, và vì chỉ là lời nói thu băng của một người thứ ba nên không có
giá trị trước toà.
Thật ra, nếu muốn chứng minh nguyên đơn có kiện
hai người em gái là một điều quá dễ dàng. Bị cáo chỉ mất 10 phút, xuống văn
phòng lục sự của toà để xin hồ sơ toà án (court check) của nguyên đơn, nguyên
đơn sống trong Quận hạt này từ năm 1984, tất cả những vụ nguyên đơn kiện người
khác hoặc bị người khác kiện đều được ghi chép trong hồ sơ tòa án này.