Đa Nguyên, đa đảng cho VN? Theo tôi là vầy: Chúng ta không nên hô khẩu hiệu hay bàn cãi những chuyện lý tưởng vô ích khi khả năng thực hiện là số không. Hãy dấn thân, đóng góp vào việc nước tùy theo hoàn cảnh, khả năng cho từng việc nhỏ, để rồi, nói như Adam Smith "bàn tay vô hình" của lịch sử sẽ đem chúng ta tới một chân trời tốt đẹp hơn. Kinh tế chuyển hóa chính trị. Đó là tiền đề mà tôi đã cổ võ suốt hơn 25 năm qua.
Hãy noi gương người Hoa kiều ở các nước Đông Nam Á, ví dụ Indonesia hay Mã Lai Á. Họ không như người bản xứ (đạo Hồi) ở đó suốt ngày la ó khầu hiệu tôn giáo và chính trị trong khi lại bỏ quên kinh tế, khoa học. Từ từ, quyền lực quốc gia vào hết trong tay Hoa Kiều. Từ khắp thế giới, họ mang tiền bạc, kỹ thuật, chất xám, trở về cố quốc để tham gia đông đảo vào cơ trình xây dựng đất nước - dù cho họ có bất đồng với chế độ Cộng sản độc tài. Nhờ vào Hoa Kiều mà Trung Quốc đang trở nên siêu cường số một trong thế kỷ 21 này.
Chúng ta đừng mắc vào cái tật của người Hồi như tôi đã nói. Nên làm trước rồi bàn sau. Hay ít nhất là vừa làm, vừa nói. Chứ suốt ngày đòi lo chuyện to lớn, vĩ mô mà không có được một hội đoàn hay một công ty kinh doanh cho ra hồn. Xin lỗi, chúng ta nên ngừng viết "sớ chính trị" để mà thưởng thức cùng nhau.
Người Cộng sản VN có lắng nghe? Phải nhớ rằng cơ chế chính trị của chính quyền Việt Nam rất phức tạp và đan nhau, không có một điểm tập trung quyền lực hay thẩm quyền nào cho những chính sách tổng quan, hay chiến lược vĩ mô. Phía đảng có thể lắng nghe, nhưng bên chính phủ thì không. Bên trên có chấp nhận ý kiến, nhưng ở dưới không đồng ý. Vì vậy, muốn có được một sự góp ý hữu hiệu thì chúng ta nên đặt vào từng vấn đề thực tiễn với đúng đối tượng chức năng và thẩm quyền. Ví dụ, tôi đã từng góp ý vào quy trình làm luật tại quốc hội, vấn đề kháng án và luật bằng chứng tại tòa cho giới tư pháp, hay là gặp các lãnh đạo giáo dục tại các đại học để góp ý về giáo trình, quy chế đại học. Tôi đã thấy một số hiệu quả giới hạn nhưng rất đáng khuyến khích. Phải nhớ rằng, rất nhiều cán bộ lãnh đạo Việt Nam hiện nay vẫn còn mang tinh thần trưởng giả. Nếu chúng ta “lên giọng” là họ phản ứng tiêu cực vì bị chạm tự ái. Vâng, người cộng sản sẽ lắng nghe đến mức độ mà họ cần; chúng ta nên góp ý đến tầm mức mà chúng ta có thể.
Tình hình chính trị Việt nam đang đi xuống? Không đi xuống mà ngược lại càng vững chắc. Nhìn về đối ngoại. Nhìn về kinh tế trong cơn suy thoái lớn vừa qua. Nhìn về sự ổn định xã hội, an ninh trong nước. Những vấn đề đàn áp mà anh nêu lên là đúng. Trí thức bất mãn. Trung quốc chèn ép. Nhiều chính sách sai lầm. Vâng, đó là vấn đề chung của chuyện trị nước mà chế độ nào cũng mắc phải. Nhưng nó là một ung nhọt của bức tranh toàn cảnh chứ không phải là tổng thể của tình hình chung.
2. Thất vọng của cánh tả: Đến Winston Churchill, một đại anh hùng của Anh quốc đã cứu nước đó ra khỏi thảm họa Đức quốc xã, mà còn bị đánh bật tung ra khỏi chính trường sau chiến tranh. Tổng thống Mỹ Harry Truman (người ra lệnh thả bom nguyên tử ở Nhật) sau khi hết nhiệm kỳ đã phải đi tàu lửa về lại quê ở tiểu bang Kansas. Thật là sai lầm khi cho rằng những người như Huỳnh Tấn Mẫm hay Hoàng Phủ Ngọc Tường, hay Huỳnh Bá Thành, hay Nguyễn Hữu Thọ... không được trọng dụng, không đóng vai trò lãnh đạo quốc gia sau chiến tranh. Nên nhớ rằng thành phần lãnh đạo hiện nay của CSVN bao gồm phần lớn những trí thức theo Mặt trận Giải Phóng trong chiến tranh. Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải hay Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Sài gòn hiện nay, hoặc là dàn tổng biên tập báo chí ở Sài Gòn đều là trí thức thiên tả, theo Mặt Trận.
Còn trí thức tả ở Pháp, hay ở Mỹ, Úc có bao giờ có một cách tiếp cận đúng cách đâu mà được trọng dụng hay có ảnh hưởng? Mỗi trí thức cánh tả ở Âu Mỹ là một ông vua con, rất hãnh diện về chính mình, mang nhiều ảo tưởng chính trị, và nhất là không làm việc được với nhau. Nhìn lại về năm 1955, lối làm việc rất hàn lâm, cao ngạo của Trần Đức Thảo khi về nước, trong những năm mà nhiệt lượng giáo điều Mác Xít đang lên cực cao, thì ông chỉ mang cho mình thất bại và thất vọng.
Dĩ nhiên, chúng ta không thể tin được người cộng sản - cũng như không ai tin được người quốc gia, hay Mỹ, hay Tàu, hay Pháp, hay Nhật. Làm việc lớn mà chỉ dựa vào niềm tin mù quáng thì ở bất cứ cấp độ nào cũng sẽ bị phản bội. Người Ý có câu, "Nếu muốn mất niềm tin vào Thiên Chúa thì hãy làm quen với vị linh mục nhà thờ của bạn." Tất cả đều là một quá trình tương tác, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, khả năng mà làm việc, đóng góp. Không ai mà không là một kẻ có thể sẽ phản bội ta cả. Biết và nhớ kỹ điều đó để mà vững tin bắt tay vào dấn thân!
Nói chuyện trực tiếp với cộng đồng người Việt ở hải ngoại: Trong những lần phát biểu ý kiến tại các buổi gặp mặt lãnh đạo VN ở San Francisco, tôi đã lên tiếng mong mỏi là có ngày lãnh đạo sẽ đi xuống San Jose, hay quận Cam để mà nói chuyện trực tiếp với đồng bào ở đó. Chứ còn mang những bài nói chuyện đầy khẩu hiệu, học thuộc bài ra mà nói với các nhóm thiên tả như tôi thì cũng bằng thừa!
Tuy nhiên, vấn đề khó hơn là nói vậy. Những khi có vị lãnh đạo VN sang thăm tư gia tôi, chẳng hạn, tôi cố mời một số thân hữu không cùng lập trường tới nhà để có dịp bàn luận trực tiếp. Hầu hết các anh chị "phe hữu" đều từ chối, trả lời là sợ bị "liên luỵ," sợ cộng đồng đánh phá.
Tôi cũng đã tâm sự chuyện này với các vị lãnh đạo về chính sách Việt kiều ở trung ương đảng ở Hà Nội. Tôi nhấn mạnh với họ: Đừng cứ cho rằng chỉ có một "thiểu số cực đoan" là chống cộng đâu. Họ cũng không chống cộng chỉ vì uất ức thất trận hay hoài bão quá khứ. Họ chống cộng, chống nhà nước, chính quyền Việt Nam vì những sai lầm cơ bản của chính sách, từ chính trị đến nhân quyền, đến báo chí, đến tôn giáo. Kế tiếp, tôi nhấn mạnh rằng Việt kiều không phải là ngây thơ để nghe những lời kêu gọi bằng khẩu hiệu
Gần đây, chính phủ VN đang có những nỗ lực thiết thực nhằm hoàn chỉnh những khúc mắc đó. Nhưng về phía Việt kiều thì dù chính quyền có muốn một đối thoại tích cực thì cũng không có tổ chức hay hội đoàn nào đủ tầm vóc và mang thái độ nghiêm chỉnh.